Hội chứng baby blues: Bí quyết giúp mẹ lấy lại cân bằng sau sinh
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Hội chứng baby blues: Bí quyết giúp mẹ lấy lại cân bằng sau sinh

  • blog
    Tác giả tâm lý Kim Nguyễnblog
  • blog

    Hội chứng baby blues là một tình trạng tâm lý khá phổ biến ở các bà mẹ sau sinh. Theo các chuyên gia tâm lý ghi nhận, có khoảng 80% bà mẹ trải qua cảm giác buồn bã, lo lắng và dễ cáu gắt trong vài ngày hoặc vài tuần đầu sau khi sinh. Đây là một trạng thái tinh thần bình thường, tuy nhiên, nếu không được nhận diện và hỗ trợ kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh. Bài viết sau đây, Askany sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng của baby blues, nguyên nhân hình thành, so sánh Baby Blues và Trầm cảm sau sinh. Cuối cùng là cách hiệu quả để giúp các bà mẹ vượt qua tình trạng này.

    Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy liên hệ tư vấn tâm lý online với các chuyên gia trên ứng dụng Askany.

    Hội chứng Baby Blues là gì?

    Hội chứng baby blues (trầm cảm sau sinh nhẹ) là một tình trạng tâm lý phổ biến ở các bà mẹ sau sinh, thường biểu hiện qua các triệu chứng như: buồn bã, kiệt sức, lo âu, rối loạn giấc ngủ và thay đổi tâm trạng đột ngột. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể mẹ khi phải đối với những biến đổi hormone mạnh mẽ sau khi sinh con. Cảm giác này thường xuất hiện trong vòng 2-3 ngày đầu sau sinh và kéo dài khoảng 1-2 tuần.

    Các triệu chứng của hội chứng Baby Blues

    Nhiều mẹ thường gặp phải tình trạng rối loạn cảm xúc sau sinh. Nếu bạn nhận thấy mình có những triệu chứng như sau, có thể bạn đang mắc chứng Baby Blues:

    • Cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản, cảm thấy vô vọng, tức giận hoặc cáu kỉnh thường xuyên.
    • Cảm thấy muốn khóc nhưng không rõ nguyên nhân.
    • Tâm trạng nắng mưa thất thường và thường xuyên cáu kỉnh.
    • Khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc ngủ không sâu.
    • Mất hứng thú với những hoạt động mà bạn từng yêu thích, chẳng hạn như gặp gỡ bạn bè, đọc sách hoặc nghe nhạc.
    • Lo lắng quá mức về sức khỏe của bé, cảm thấy bất an hoặc bồn chồn.
    • Mất kết nối với đứa con của mình.
    • Mất cảm giác ngon miệng, bỏ bê bản thân về ngoại hình.
    • Khó đưa ra quyết định, khó nhớ các việc cần làm, hoặc cảm thấy suy nghĩ mông lung.
    • Những thay đổi về thể chất: Ngoài các triệu chứng về tâm lý, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng về thể chất như đau đầu, thay đổi khẩu vị, hoặc các vấn đề về tiêu hóa.

    Nguyên nhân gây ra Baby Blues

    Mặc dù nguyên nhân chính xác của hội chứng Baby Blues vẫn chưa được xác định rõ ràng, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng một số yếu tố dưới đây có thể góp phần dẫn đến tình trạng này:

    Thay đổi nội tiết tố đột ngột

    Sau khi sinh, cơ thể người mẹ phải trải qua những thay đổi đột ngột về nội tiết tố. Mức estrogen và progesterone giảm mạnh để cơ thể thích nghi với việc phục hồi và chăm sóc em bé. Sự thay đổi như tăng tiết sữa, tử cung thu nhỏ về kích thước bình thường, căng tức đau ngực khi sữa về,... này làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, khiến bà mẹ dễ rơi vào trạng thái buồn bã, lo lắng và bất ổn.

    Mẹ bầu bị baby blues
    Mẹ bầu bị baby blues

    Ngoài ra, sự sụt giảm hormone tuyến giáp cũng là một nguyên nhân gây ra hội chứng baby blues. Nó khiến cho cơ thể người mẹ cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, khó ngủ và đôi khi chán ăn, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

    Tiền sử rối loạn lo âu hoặc rối loạn cảm xúc

    Những người mắc rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hoặc lo âu có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh cao hơn từ 30% đến 35%. Tương tự, các bà mẹ từng có triệu chứng trầm cảm sau những lần mang thai trước đó cũng dễ gặp lại tình trạng này.

    Di truyền học

    Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tâm thần học Sinh sản Johns Hopkins đã phát hiện ra các dấu ấn sinh học epigenetic – tức là sự khác biệt trong hoạt động của một số gen nhất định – có thể giúp dự đoán ai có nguy cơ cao nhất mắc trầm cảm sau sinh.

    Áp lực sau sinh

    Bên cạnh những thay đổi sinh lý, các yếu tố tâm lý cũng góp phần hình thành hội chứng Baby Blues. Áp lực chăm sóc em bé là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Việc phải đảm bảo bé được ăn no, ngủ đủ, phát triển khỏe mạnh khiến nhiều mẹ cảm thấy quá tải và căng thẳng. Ngoài ra, các yếu tố xã hội như thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, hoặc áp lực tài chính cũng có thể gây ra hội chứng baby blues. Khi các mẹ cảm thấy cô đơn, không được thấu hiểu và thiếu sự giúp đỡ, họ dễ rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản.

    Kỳ vọng không thực tế

    Một số chị em tự đặt ra những kỳ vọng không thực tế về bản thân như việc phải luôn vui vẻ, kiên nhẫn với con, hoặc có thể cân bằng mọi thứ hoàn hảo sau khi sinh cũng là một yếu tố nguy cơ. Khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, các mẹ dễ cảm thấy thất vọng, tội lỗi và cô đơn.

    Khó ngủ, ít ngủ

    Việc chăm sóc trẻ sơ sinh chiếm rất nhiều thời gian của người mẹ, do đó thời gian ngủ của họ bị ít đi. Cộng thêm việc các bà mẹ sau sinh thường khó ngủ, không thể ngủ ngon, ngủ không đủ giấc, thức khuya để chăm sóc con. Những thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, thói quen ngủ nghỉ khiến cơ thể người mẹ gần như kiệt sức. Tất cả điều này tích tụ sẽ dẫn đến hội chứng baby blues.

    Thiếu ngủ và những yếu tố khác có thể hình thành hội chứng baby blues
    Thiếu ngủ và những yếu tố khác có thể hình thành hội chứng baby blues

    Nhưng như đã nói trên, hội chứng baby blues thường không kéo dài quá lâu, chỉ khoảng 2 – 3 ngày sau khi sinh và một số trường hợp kéo dài lâu hơn nhưng không quá 14 ngày sau khi sinh. Nhiều người nhầm lẫn Baby Blues với trầm cảm sau sinh, nhưng đây là một vấn đề tinh thần nhẹ hơn và không gây hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm. Để hiểu chi tiết hội chứng baby blues khác với trầm cảm sau sinh như thế nào, hãy tham khảo phần tiếp theo của bài viết.

    Baby Blues và Trầm cảm sau sinh (Postpartum depression) có gì khác nhau?

    Yếu tố

    Hội chứng Baby Blues

    Trầm cảm sau sinh

    Mốc thời gian

    Xuất hiện trong vòng 2-3 ngày sau khi sinh và thường không kéo dài quá 2 tuần.

    Có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong năm đầu tiên sau sinh, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

    Mức độ nghiêm trọng

    Thường nhẹ, không ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng như buồn bã, lo âu, thay đổi tâm trạng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

    Mức độ nghiêm trọng hơn, các triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, gây khó khăn trong việc chăm sóc bản thân và con cái.

    Tình trạng tinh thần

    Thường cảm thấy hụt hẫng, buồn bã, lo âu nhưng không kéo dài lâu và không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.

    Các triệu chứng như trầm cảm, cảm giác tội lỗi, thất vọng, lo âu mãn tính và thiếu động lực sẽ kéo dài và có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của người mẹ.

    Khả năng tự phục hồi

    Có thể tự hết khi các hormone trong cơ thể ổn định trở lại.

    Không thể tự hết, cần sự can thiệp từ các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ.

    Độ phổ biến

    Là hiện tượng phổ biến, xảy ra với khoảng 50-80% bà mẹ sau sinh.

    Ít phổ biến hơn, ảnh hưởng đến khoảng 10-15% bà mẹ sau sinh.

    Cần điều trị không?

    Baby blues hường không cần điều trị y tế đặc biệt, chỉ cần tư vấn tâm lý.

    Cần có sự can thiệp từ chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần, có thể cần điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý chuyên nghiệp.

    Làm thế nào để vượt qua hội chứng Baby Blues tại nhà?

    Bạn không cần phải làm gì đặc biệt hoặc đến bệnh viện để điều trị hội chứng baby blues. Trong hầu hết các trường hợp, các bà mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn khi họ thích nghi được với vai trò mới và cuộc sống hàng ngày cùng con mình. Tuy nhiên, nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên tìm gặp bác sĩ để loại trừ khả năng mắc phải trầm cảm sau sinh. Đây là một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cả gia đình bạn.

    Một bà mẹ hạnh phúc là một bà mẹ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần
    Một bà mẹ hạnh phúc là một bà mẹ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần

    Giai đoạn sau sinh là một thách thức lớn với mỗi người mẹ. Điều quan trọng là bạn phải chăm sóc bản thân một cách cẩn thận nhất có thể, vì sự an toàn của cả mẹ và con. Hãy làm những điều khiến bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng này. Đặc biệt, bạn đừng quên.

    • Ngủ càng nhiều càng tốt: Mặc dù giấc ngủ ngon là điều hiếm hoi trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng hãy ngủ khi có thể, công việc nhà có thể làm sau hoặc thuê người giúp việc theo giờ. Luôn nhớ rằng giấc ngủ là liều thuốc hiệu quả nhất để cơ thể và tâm trí bạn sớm hồi phục.
    • Yêu cầu giúp đỡ: Đừng ngại nhờ bạn bè hoặc người thân hỗ trợ các công việc như nấu nướng, chạy việc vặt, thay tã cho con. Đừng cố gắng tự mình làm tất cả, vì điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và tự làm khó chính bản thân mình.
    • Ăn uống đầy đủ và ra ngoài: Hãy cho phép bản thân thưởng thức những món ăn bạn yêu thích và tận hưởng không khí trong lành, bên ngoài ngôi nhà. Điều này sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, buồn bã và tìm lại được tinh thần thoải mái.
    • Nói chuyện với ai đó: Bạn không nhất thiết phải đi khám sức khỏe tâm thần, nhưng nếu bạn có thể, hãy gọi cho một nhà tư vấn tâm lý để giải tỏa cảm xúc. Các chuyên gia tâm lý online trên Askany có thể trò chuyện, cho lời khuyên và tìm cách giúp bạn thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực. Bạn cũng có thể chia sẻ với một thành viên trong gia đình hoặc một người mà bạn tin tưởng. Đừng cố giữ những điều tiêu cực một mình.
    • Làm những việc bạn yêu thích: Tìm lại sở thích trước đây của mình hoặc tham gia những hoạt động mà bạn yêu thích trước khi có em bé. Điều này có thể giúp bạn dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường sau sinh, tạo sự cân bằng và hạnh phúc.

    Hội chứng Baby Blues có thể khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi, buồn bã và mất kết nối với cuộc sống và với chính đứa con của mình. Nếu tình trạng này kéo dài hơn một tuần, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân hoặc chuyên gia tâm lý và điều vô cùng cần thiết. Đừng ngần ngại trò chuyện và kết nối các chuyên gia tâm lý trên Askany – những người sẵn sàng lắng nghe, đồng hành và cho bạn lời khuyên hữu ích. Hãy đặt lịch tư vấn ngay hôm nay để hành trình làm mẹ của bạn trở nên nhẹ nhàng và trọn vẹn hơn!