Rối loạn nhân cách tránh né (AVPD) là một tình trạng sức khỏe tâm thần, mà bệnh nhân thường cảm thấy cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích, sợ bị từ chối, do đó họ có xu hướng tránh né các tình huống xã hội. Bạn đã nhìn thấy ai tránh xa các buổi tiệc tùng hoặc sợ hãi cực độ khi phải nói chuyện trước đám đông chưa? Đó có thể là dấu hiệu của người mắc chứng Avoidant Personality Disorder - rối loạn nhân cách tránh né. Bài viết này Askany sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về rối loạn nhân cách tránh né, nguyên nhân, triệu chứng và cách đối phó.
Rối loạn nhân cách tránh né là gì?
Rối loạn nhân cách tránh né (avoidant personality disorder - AVPD) là một rối loạn tâm thần khiến người bệnh cảm thấy sợ hãi và tránh né các tình huống xã hội. Họ thường có lòng tự trọng thấp, nhạy cảm quá mức với những đánh giá tiêu cực, sợ bị từ chối và tin rằng mình không đủ tốt. Người mắc AVPD hường tránh các tình huống xã hội, thậm chí cả những mối quan hệ thân thiết, vì sợ bị phán xét hoặc làm nhục.
Nhưng có một số trường hợp, bệnh nhân chỉ có thái độ khó xử, ngượng ngùng, tránh né khi tiếp xúc với mọi người xung quanh. Rối loạn nhân cách né tránh khiến cho bệnh nhân tự cô lập chính mình và gặp khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ.
Tìm hiểu thêm:
- Rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD): Ai dễ mắc phải - Askany
- Rối loạn nhân cách: dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh
Các triệu chứng chính của rối loạn nhân cách tránh né
Người mắc rối loạn nhân cách né tránh thường gặp khó khăn trong việc gắn bó tình cảm với người khác do họ hay nghi ngờ và thiếu tin tưởng. Họ dễ suy nghĩ tiêu cực và những lời chỉ trích có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý. Do đó, người bệnh thường ngại giao tiếp và ít khi bày tỏ quan điểm cá nhân, vì lo sợ bị chế giễu nếu nói sai.
Khi phải phát biểu, họ thường cảm thấy xấu hổ, ra mồ hôi tay, hoặc lắp bắp, biểu hiện sự lo âu. Họ lo lắng về cách người khác nghĩ về mình, sợ rằng mình sẽ không được chấp nhận. Điều này khiến họ cảm thấy không thoải mái, thậm chí có thể cảm thấy mình không phù hợp với xã hội. Những lời trêu đùa thường bị họ hiểu là có ác ý, làm cho họ trở nên nhạy cảm quá mức.
Theo thống kê của American Psychiatric Association, những dấu hiệu điển hình của người mắc rối loạn nhân cách né tránh bao gồm:
- Tránh tham gia các hoạt động đông người và hạn chế giao tiếp xã hội.
- Cảm giác lo lắng trước và trong các cuộc trò chuyện, hoặc không hứng thú.
- Hạn chế những mối quan hệ thân thiết.
- Suy nghĩ quá nhiều về những lời phê bình và từ chối của người khác.
- Trở nên lúng túng, cảm thấy bị ức chế khi phải nói chuyện trong các tình huống hàng ngày.
- Khi gặp người lạ, họ có thể tỏ ra nhút nhát.
- Họ sống trong một "vùng an toàn" của bản thân và ngại thử thách những điều mới mẻ.
- Cố gắng làm hài lòng mọi người, nhưng không dám thân thiết quá với người khác, vì lo lắng bị đánh giá.
Nguyên nhân dẫn đến loạn nhân cách né tránh
Hiện tại, nguyên nhân chính gây ra rối loạn nhân cách né tránh vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia, bác sĩ tâm lý tại Askany đã xác định một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh như rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng sợ, hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nguy cơ mắc bệnh của con sẽ cao hơn.
- Môi trường gia đình: Trẻ nhỏ thường phát triển tính cách tương tự như tính cách của người thân. Nếu sống chung với người mắc rối loạn nhân cách hoặc rối loạn lo âu, trẻ cũng sẽ có nguy cơ phát triển nhân cách bất thường.
- Trải nghiệm tiêu cực: Những đứa trẻ bị tẩy chay, bắt nạt, thường xuyên bị từ chối, phê bình, môi trường gia đình căng thẳng, thiếu thốn tình thường, có lịch sử bị bạo lực,... dễ mắc phải rối loạn nhân cách né tránh.
- Bệnh tâm thần khác: Những người bị trầm cảm, bệnh tâm thần, thường có nguy cơ cao mắc đồng thời bệnh rối loạn nhân cách tránh né.
>>> Tham khảo: Cập nhật chi phí khám tâm lý mới nhất
Nguy cơ rối loạn nhân cách né tránh
Ai có nguy cơ cao mắc rối loạn nhân cách né tránh?
Bệnh này có tỷ lệ mắc với tần suất tương đương ở cả nam và nữ. Nó thường bắt đầu từ tuổi thiếu niên hoặc đầu những năm 20 tuổi.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách né tránh
Những người mắc các tình trạng tâm lý sau đây có nguy cơ cao bị ảnh hưởng:
- Trầm cảm nặng
- Trầm cảm dai dẳng
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn hoảng sợ
- Chán ăn tâm thần
- Rối loạn ăn uống
Phương pháp chẩn đoán & điều trị rối loạn nhân cách né tránh
Phương pháp chẩn đoán rối loạn nhân cách né tránh
Bác sĩ chẩn đoán rối loạn nhân cách né tránh dựa trên các tiêu chí trong DSM-5 - Cẩm nang Thống kê và Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Để chẩn đoán là mắc bệnh, người bệnh phải có ít nhất 4 trong các biểu hiện sau:
- Tránh những công việc cần làm việc nhóm vì sợ bị chỉ trích hoặc từ chối.
- Không muốn tham gia với người khác trừ khi họ chắc chắn được người đó sẽ thích mình.
- Hành xử dè dặt hoặc nhút nhát trong các mối quan hệ thân thiết vì lo ngại bị chế giễu.
- Rất lo lắng về việc bị chỉ trích trong các tình huống xã hội thông thường.
- Cảm thấy tự ti khi ở trong các tình huống xã hội mới và nghĩ rằng mình kém cỏi.
- Đánh giá bản thân là người thiếu kỹ năng xã hội, không hấp dẫn hoặc kém cạnh hơn người khác.
- Ngại tham gia vào các hoạt động mới vì sợ bị xấu hổ.
Phương pháp điều trị rối loạn nhân cách né tránh
May mắn thay, rối loạn nhân cách né tránh hoàn toàn có thể điều trị được bằng một số biện pháp như sau:
- Trị liệu nhận thức hành vi (CBT): Giúp bạn thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, phát triển các kỹ năng xã hội và đối mặt với nỗi sợ hãi một cách hiệu quả.
- Liệu pháp tiếp xúc: Dần dần giúp bạn tương tác với những người khác trong các tình huống xã hội thực tế.
- Liệu pháp nhóm: Tạo cơ hội để bạn chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những người cùng hoàn cảnh.
- Thuốc điều trị: Các loại thuốc như chống trầm cảm và giảm lo âu có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể tự giúp mình bằng cách:
- Tập thể dục đều đặn: Có thể hỗ trợ giảm stress và cải thiện tâm trạng.
- Thiền: Giúp bạn thư giãn và tập trung hơn.
- Chăm sóc bản thân: Đảm bảo bạn có đủ giấc ngủ, ăn uống lành mạnh và dành thời gian cho những hoạt động mình yêu thích.
Trên đây là những thông tin quan trọng về chứng rối loạn nhân cách tránh né mà bạn nên biết. Nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn nhân cách tránh né có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh, chẳng hạn như cô đơn không có bạn bè, trầm cảm, lo âu. Nếu bạn nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh mình có các dấu hiệu báo động, bạn nên tham khảo và tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý trên Askany ngay hôm nay.