Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD và những điều cần biết
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD và những điều cần biết

  • blog
    Tác giả tâm lý Kim Nguyễnblog
  • blog

    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một loại rối loạn tâm thần phổ biến, khiến người bệnh không thể kiểm soát được những suy nghĩ, hình ảnh nhất định. Những ám ảnh này thường đi kèm với các hành vi cưỡng chế lặp đi lặp lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Bài viết này Askany sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về OCD, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả.

    Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

    Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hay còn được gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng bức (Obsessive-Compulsive Disorder - OCD) là một rối loạn tâm lý khiến người bệnh bị "mắc kẹt" trong một vòng lặp suy nghĩ ám ảnh và hành động cưỡng chế.

    • Suy nghĩ ám ảnh (obsessions): là những suy nghĩ, hình ảnh hoặc xung động không mong muốn, chẳng hạn như lo lắng về vi trùng, sợ quên tắt bếp. Những suy nghĩ này cứ lặp đi lặp lại và gây khó chịu hoặc khiến người bệnh lo lắng.
    • Hành động cưỡng chế (compulsions): là những việc làm mà người bệnh cảm thấy bắt buộc phải làm để giảm bớt nỗi lo lắng đó, như rửa tay liên tục vì sợ bẩn, kiểm tra đi kiểm tra lại cửa đã khóa chưa. Mặc dù biết những việc này không hợp lý, người bệnh vẫn không thể dừng lại.
    Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế - OCD
    Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế - OCD

    Theo nghiên cứu của Tổ chức OCD Quốc tế (IOCDF), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có thể bắt đầu ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ cao hơn. Có khoảng 2% của tổng số dân số toàn cầu bị ảnh hưởng bởi OCD. Tuổi khởi phát trung bình của bệnh thường là 19 tuổi.

    >>> Tham khảo: Cập nhật chi phí khám tâm lý mới nhất

    Triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng OCD

    Để nhận biết rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), cần có đủ hai yếu tố: suy nghĩ ám ảnh và hành động cưỡng chế. Dưới đây là các dấu hiệu và triệu chứng dễ nhận biết của OCD:

    Các ám ảnh thường mang tính xâm nhập và khó kiểm soát, một số vấn đề khiến người bệnh ám ảnh phổ biến bao gồm:

    • Nỗi lo sợ sẽ làm tổn hại đến bản thân hoặc người khác.
    • Ám ảnh về vi trùng, bẩn, hoặc cảm giác cần làm sạch.
    • Những suy nghĩ bị cấm đoán, cấm kỵ, ví dụ ám ảnh về sự hung hăng hoặc tình dục không phù hợp với đạo đức.
    • Cảm giác mọi thứ phải cân đối hoặc đúng vị trí.

    Cưỡng chế là những hành vi lặp đi lặp lại mà người bệnh cảm thấy bắt buộc phải làm để giảm bớt lo lắng từ các ám ảnh. Những hành vi này có thể không thực tế hoặc không liên quan trực tiếp đến ám ảnh, nhưng người bệnh cảm thấy phải làm để "hóa giải" nỗi lo. Các hành động dễ nhận biết nhất thường là:

    • Rửa tay nhiều lần hoặc tắm liên tục.
    • Kiểm tra nhiều lần xem bếp đã tắt hoặc cửa ra vào đã được khóa chưa.
    • Lặp lại hành động hoặc đếm số lần làm một việc nào đó.
    • Đồ đạc phải được sắp xếp đúng thứ tự, theo quy tắc cứng nhắc.
    Người bệnh có những hành vi lặp đi lặp lại để giảm bớt lo lắng từ các ám ảnh
    Người bệnh có những hành vi lặp đi lặp lại để giảm bớt lo lắng từ các ám ảnh

    Thực tế thì các hành vi cưỡng chế có thể được chia thành hai loại: hành vi có thể quan sát được (ví dụ như rửa tay hoặc kiểm tra ổ khóa) và hành vi tinh thần không thể quan sát được (như đếm trong đầu hoặc lẩm bẩm lời cầu nguyện).

    Thông thường, những hành vi cưỡng chế này phải được thực hiện theo các quy tắc nghiêm ngặt và chính xác. Vì lo ngại bị chỉ trích hoặc kỳ thị, những người mắc OCD thường giữ kín các triệu chứng của họ.

    Nguyên nhân gây ra OCD

    Hiện tại, các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra OCD, nhưng có một số yếu tố được cho là góp phần làm tăng nguy cơ mắc rối loạn này:

    Các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra OCD
    Các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra OCD
    • Yếu tố di truyền: Nếu bạn có người thân trong gia đình, như cha mẹ hoặc anh chị em, mắc chứng OCD, nguy cơ bạn bị ảnh hưởng sẽ cao hơn.
    • Các sự kiện đau buồn trong quá khứ: Những trải nghiệm tiêu cực như bị bắt nạt, lạm dụng, bỏ rơi, hoặc những biến cố lớn như sinh con, mất người thân có thể làm gia tăng nguy cơ mắc OCD.
    • Đặc điểm tính cách cá nhân: Người có tính cách tỉ mỉ, ưa gọn gàng và có tiêu chuẩn cao trong mọi việc có thể dễ bị OCD hơn, do xu hướng kiểm soát chặt chẽ các hành vi và suy nghĩ của mình.
    • Rối loạn chức năng não bộ: Một số nghiên cứu cho thấy người mắc OCD có thể có hoạt động bất thường trong các vùng não nhất định hoặc thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin, ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc và hành vi.

    OCD có nguy hiểm không?

    OCD khiến cuộc sống của người bệnh bị gián đoạn, họ có thể mất nhiều thời gian cho những hành động không cần thiết và luôn cảm thấy rất căng thẳng.

    Nhiều người mắc chứng này có các vấn đề tâm lý khác kèm theo, chẳng hạn như rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Khoảng 50% người mắc OCD từng có ý định tự tử, và khoảng 10% đã có hành động tự sát. Nguy cơ này đặc biệt cao khi người bệnh kèm theo trầm cảm nặng.

    Bạn có thể test trầm cảm Beck để đánh giá mức độ trầm cảm của bản thân.

    OCD có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải
    OCD có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải

    OCD là một rối loạn nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được. Nếu nhận thấy các triệu chứng như trên, bạn cần tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ kịp thời.

    Chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế

    Dù có nhiều dấu hiệu nhận biết OCD, nhưng chúng chỉ mang tính tham khảo. Để xác định chính xác, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa.

    Quá trình chẩn đoán OCD chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng, vì vậy, người bệnh cần trung thực chia sẻ đầy đủ những gì đang trải qua để bác sĩ có thể đánh giá chính xác.

    Người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa
    Người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa

    Để chẩn đoán OCD, các triệu chứng ám ảnh và cưỡng chế phải tốn nhiều thời gian (hơn 1 giờ mỗi ngày) hoặc gây ra sự đau khổ hoặc ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày. Cần lưu ý là các triệu chứng này không phải do việc sử dụng các chất (như thuốc) hoặc tình trạng bệnh khác gây ra.

    Phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

    Liệu pháp nhận thức hành vi

    Với liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), các bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ từ từ đưa bệnh nhân vào những tình huống hoặc môi trường gây ra lo lắng mà không để họ thực hiện các hành vi cưỡng chế.

    Ví dụ, một bệnh nhân với nỗi sợ nhiễm bẩn và thói quen rửa tay thường xuyên có thể được yêu cầu chạm vào một bề mặt bẩn mà không được rửa tay ngay lập tức. Qua thời gian, việc tiếp xúc này giúp giảm dần mức độ lo âu thông qua quá trình làm quen và học hỏi.

    Hiệu quả của phương pháp này có thể duy trì lâu dài, nếu bệnh nhân tiếp tục áp dụng các kỹ thuật này ngay cả khi kết thúc điều trị chính thức. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều đáp ứng tốt với liệu pháp này.  

    Điều trị bằng thuốc

    Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và clomipramine, một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng, thường được sử dụng với hiệu quả cao trong điều trị OCD. Đối với những bệnh nhân không cải thiện rõ rệt với các thuốc chống trầm cảm đơn thuần, có thể được chỉ định bổ sung thuốc an thần kinh không điển hình như aripiprazole hoặc risperidone.

    OCD có thể điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi hoặc bằng thuốc
    OCD có thể điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi hoặc bằng thuốc

    Như vậy, rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một bệnh lý phức tạp đòi hỏi sự can thiệp kịp thời và đúng đắn để giảm thiểu ảnh hưởng của nó đến cuộc sống người bệnh. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải các triệu chứng của OCD, hãy liên hệ với các chuyên gia, bác sĩ tâm lý trên ứng dụng Askany. Chuyên gia tại Askany có thể cung cấp cho bạn hướng dẫn và giải pháp phù hợp nhất để giúp bạn vượt qua rối loạn ám ảnh cưỡng chế một cách hiệu quả.