Rối loạn tâm thần là gì. Bạn từng cảm thấy lo lắng quá mức, buồn bã kéo dài hoặc có những suy nghĩ kỳ lạ không thể kiểm soát? Đó có thể là dấu hiệu của rối loạn tâm thần cần được quan tâm. Những cảm xúc tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn tác động đến cuộc sống hàng ngày, gây ra những khó khăn trong công việc, học tập và các mối quan hệ. Hãy tham khảo bài viết sau đây của Askany để kịp thời nhận diện các biểu hiện của rối loạn tâm thần và tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Rối loạn tâm thần là gì
Rối loạn tâm thần (Mental disorder) còn được gọi là bệnh tâm thần, là tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi. Một số dạng phổ biến gồm rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tâm thần phân liệt và nghiện ngập. Các rối loạn này có thể nhẹ hoặc nặng, tạm thời hoặc kéo dài, và có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh.
Theo thống kê năm 2019, các rối loạn tâm thần phổ biến trên toàn cầu bao gồm: trầm cảm, ảnh hưởng đến khoảng 264 triệu người; rối loạn lưỡng cực, ảnh hưởng đến khoảng 45 triệu người; sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người; và tâm thần phân liệt cùng các dạng loạn thần khác, ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người.
Nguyên nhân rối loạn tâm thần
Các nguyên nhân gây rối loạn tâm thần rất đa dạng và phức tạp, thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, có thể bao gồm:
Yếu tố di truyền
Gen đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của nhiều loại rối loạn tâm thần, đặc biệt là ở những gia đình có bố mẹ mắc các chứng rối loạn tâm thần. Các nhà nghiên cứu đã xác định được một số gen liên quan làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt.
Yếu tố môi trường
Môi trường sống cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần. Các yếu tố như căng thẳng kéo dài, chấn thương tâm lý, lạm dụng chất kích thích (rượu, ma túy), thiếu ngủ và chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần ở trẻ em. Đặc biệt, trong quá trình mang thai, nếu người mẹ tiếp xúc với các chất độc hại hoặc trải qua những căng thẳng quá mức có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi và tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần ở con.
Các yếu tố nguy cơ khác
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc rối loạn tâm thần có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi. Ví dụ, trầm cảm thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, trong khi bệnh Alzheimer thường gặp ở người cao tuổi.
- Giới tính: Một số rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc cao hơn ở một giới tính nhất định. Ví dụ, rối loạn ăn uống thường gặp ở phụ nữ, trong khi rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp ở nam giới.
- Các bệnh lý khác: Một số bệnh lý về thể chất như bệnh tim mạch, tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tâm thần.
Các dạng rối loạn tâm thần phổ biến
Có nhiều loại rối loạn tâm thần khác nhau, với các dấu hiệu và triệu chứng rất đa dạng giữa các loại rối loạn cụ thể.
Rối loạn lo âu
Người mắc rối loạn lo âu dễ cảm thấy sợ hãi trong các tình huống bình thường, kèm theo triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, thở gấp. Họ khó kiểm soát lo lắng, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Các loại rối loạn lo âu bao gồm: lo âu tổng quát, lo âu xã hội và hoảng sợ.
Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là rối loạn tâm thần điển hình, gây ra suy nghĩ và nhận thức lệch lạc. Người bệnh có thể trải qua ảo tưởng (niềm tin sai lầm không dựa trên thực tế) và ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những điều không có thật).
Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là dạng rối loạn tâm thần ít được biết đến. Người bệnh có hành vi cực đoan liên quan đến thức ăn và cân nặng, dẫn đến chán ăn hoặc ăn uống vô độ, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Những người mắc rối loạn ăn uống thường có những quan niệm sai lệch về hình thể và cân nặng, dẫn đến những hành vi ăn uống bất thường và có hại cho sức khỏe.
Rối loạn tâm trạng
Người mắc rối loạn tâm trạng có thể trải qua sự vui vẻ quá mức hoặc buồn bã kéo dài. Những rối loạn này gồm: trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn cyclothymic.
Rối loạn nhân cách
Người mắc rối loạn nhân cách có tính cách cực đoan, không linh hoạt, gây cản trở trong công việc và quan hệ xã hội. Họ có thể có hành vi chống đối xã hội, ám ảnh cưỡng chế hoặc tự làm hại mình và người khác.
Rối loạn đa nhân cách
Còn được gọi là rối loạn phân ly, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc nhận thức về bản thân và môi trường xung quanh sau khi trải qua cú sốc tinh thần hoặc căng thẳng kéo dài.
Các rối loạn tâm thần khác
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD): PTSD xảy ra sau khi một người trải qua một sự kiện chấn động như tai nạn, chiến tranh, bạo lực tạo nên sự thay đổi về cảm xúc và hành vi.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Người bệnh thường bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi vô lý, ví dụ như sợ bẩn nên rửa tay liên tục.
- Rối loạn tình dục và giới tính: Liên quan đến hành vi và ham muốn tình dục cực đoan.
- Rối loạn giả tạo: Người bệnh cố tình tạo ra triệu chứng để nhận sự chú ý và giúp đỡ.
- Rối loạn triệu chứng cơ thể: Người bệnh phải đối mặt với những cơn đau mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Rối loạn Tic: Người bệnh thực hiện các cử động hoặc âm thanh không kiểm soát, hội chứng Tourette là một ví dụ điển hình.
Câu hỏi thường gặp (FAQ) về chứng rối loạn tâm thần
Rối loạn tâm thần được chẩn đoán như thế nào?
Các bước để có được chẩn đoán bao gồm:
- Tiền sử bệnh lý
- Khám sức khỏe và có thể thực hiện các xét nghiệm nếu bác sĩ cho rằng có bệnh lý nào đó thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng rối loạn tâm thần của bạn
- Đánh giá tâm lý. Bạn sẽ trả lời các câu hỏi về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình.
Các phương pháp điều trị rối loạn tâm thần là gì?
Điều trị phụ thuộc vào loại rối loạn tâm thần mà bạn mắc phải và mức độ nghiêm trọng của nó. Bạn và chuyên gia tâm lý sẽ cùng nhau xây dựng một kế hoạch điều trị phù hợp nhất, thường sẽ có một loại hình trị liệu tâm lý nào đó. Đồng thời, bạn cũng có thể phải dùng thuốc. Một số người cũng cần hỗ trợ xã hội và được giáo dục về cách quản lý tình trạng của mình.
Trong một số trường hợp bệnh chuyển nặng, bạn có thể cần điều trị chuyên sâu hơn, cụ thể là phải nhập viện tâm thần. Điều này có thể do bệnh tâm thần của bạn nghiêm trọng hoặc do bạn có nguy cơ tự làm hại mình hoặc người khác. Tại bệnh viện, bạn sẽ được tham vấn, tham gia các buổi thảo luận nhóm và các hoạt động cùng với các bác sĩ tâm thần và các bệnh nhân khác.
Rối loạn tâm thần chữa khỏi được không?
Không phải tất cả các rối loạn tâm thần đều có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với sự tiến bộ của y học, nhiều người bệnh đã có thể kiểm soát được các triệu chứng và sống một cuộc sống bình thường.
ADHD có phải là một rối loạn tâm thần không?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) được xem là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở trẻ em. Các triệu chứng của ADHD bao gồm thiếu tập trung (không thể duy trì sự chú ý), tăng động (cử động quá mức không phù hợp với hoàn cảnh) và bốc đồng (hành động vội vàng diễn ra ngay lúc đó mà không suy nghĩ).
Đó là thông tin về rối loạn tâm thần và hơn 10 triệu chứng của mental disorder thường gặp nhất. Nếu bạn có các triệu chứng như buồn bã, lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, mất ngủ, mất hứng thú, suy nghĩ tiêu cực, ảo giác, hoang tưởng, hành vi bất thường, ý định tự tử,... có thể bạn đang mắc một trong số những rối loạn tâm thần nêu trên. Nếu bạn cần hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe tâm thần của mình và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp, hãy liên hệ với chuyên gia tâm lý của chúng tôi trên Askany ngay hôm nay nhé.