Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD): tất cả những gì bạn cần biết
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD): tất cả những gì bạn cần biết

  • blog
    Kim Nguyễnblog
  • blog

    Rối loạn nhân cách giới (BPD) là một dạng rối loạn tâm thần được biểu hiện bằng việc bốc đồng, thay đổi tâm trạng cực độ và bất ổn trong các mối quan hệ cá nhân. Những người mắc BPD thường phải chịu đựng những cảm xúc mãnh liệt và khó kiểm soát, dẫn đến hành vi gây tổn thương cho bản thân và người xung quanh. Để hiểu rõ hơn về biểu hiện, nguyên nhân gây ra chứng rối loạn này, cũng như cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả, bạn có thể tham khảo thông tin trong bài viết sau đây của chuyên gia tâm lý trên Askany.

    Rối loạn nhân cách giới là gì?

    Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder - BPD) hay còn được gọi là rối loạn nhân cách tâm trạng không ổn định. Đây là một bệnh tâm lý đặc trưng bởi việc bệnh nhân thường xuyên có những mối quan hệ không ổn định, nhìn nhận hình ảnh bản thân một cách bóp méo (thiếu tự tin, tự đánh giá thấp), và có những phản ứng cảm xúc dữ dội.

    Ngoài ra, bệnh nhân cũng có những hành vi mất kiểm soát khác, thậm chí là tự sát. Họ cũng cảm thấy trống rỗng, cảm giác cô đơn, sợ bị bỏ rơi. Những sự kiện hàng ngày, tưởng chừng như bình thường đối với người khác, có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới.

    Người mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường đánh giá thấp bản thân
    Người mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường đánh giá thấp bản thân

    BPD thường bắt đầu ở đầu độ tuổi trưởng thành và xảy ra trong nhiều bối cảnh khác nhau. Rối loạn nhân cách ranh giới thường đi kèm với các rối loạn sử dụng chất, rối loạn trầm cảm và rối loạn ăn uống. Rối loạn nhân cách ranh giới có thể dẫn đến nguy cơ tự sát cao, có khoảng 8-10% người mắc rối loạn nhân cách ranh giới tự tử, ở nam giới bị ảnh hưởng gấp đôi nữ giới.

    Tìm hiểu thêm: Rối loạn nhân cách tránh né: Gốc rễ từ đâu & làm thế nào để vượt qua?

    Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách ranh giới là gì?

    Nguyên nhân dẫn đến BPD vẫn chưa rõ ràng và khá phức tạp. Nhưng các chuyên gia tâm lý tại Askany cho rằng, nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ sang chấn tâm lý trong quá khứ và bất thường ở chức năng não.

    Tổn thương tâm lý

    Bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới hầu như đều có tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu. Họ từng bị lạm dụng, bạo hành, mất người thân hoặc bị ngược đãi. Một số trường hợp là do gia đình bao bọc quá mức,... Tất cả những sự kiện này khiến cho bệnh nhân luôn lo sợ cảm giác bị bỏ rơi và nhạy cảm trong các mối quan hệ.

    Chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu cũng là nguyên nhân gây ra các chứng rối loạn nhân cách khác, chẳng hạn như: bệnh đa nhân cách và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).

    Cấu trúc não bộ

    Quan sát não bộ của người mắc rối loạn nhân cách ranh giới, bác sĩ đã nhận thấy rối loạn trong chức năng điều hòa và hệ thống neuropeptide. Nhưng không xảy ra ở tất cả các bệnh nhân. Do đó nó vẫn chưa được khẳng định là nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn nhân cách ranh giới.

    Cấu trúc não cũng liên quan đến rối loạn nhân cách ranh giới
    Cấu trúc não cũng liên quan đến rối loạn nhân cách ranh giới

    Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng, ở người mắc rối loạn nhân cách ranh giới, các cơ quan chịu trách nhiệm phản ứng với stress và điều chỉnh cảm xúc như hạch hạnh nhân, hồi hải mã và vùng vỏ não trước trán,...  hoạt động ít hơn so với các vùng não khác. Ngoài ra, họ cũng gặp tình trạng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là NAA, MRS, acid creatine,....

    Các yếu tố khác

    Ngoài những yếu tố kể trên, rối loạn nhân cách ranh giới còn có liên quan đến một số yếu tố như:

    • Trẻ sinh sống với ba mẹ hoặc người thân mắc rối loạn nhân cách ranh giới, sau đó bắt chước theo cách hành xử và biểu lộ cảm xúc. Lâu dài, nhân cách của trẻ trở nên méo mó và bất thường trong giai đoạn trưởng thành.
    • Thay đổi của hormone estrogen cũng là lý do gây ra rối loạn nhân cách ranh giới.

    Dấu hiệu nhận biết một người bị rối loạn nhân cách ranh giới

    Theo National Institute of Mental Health, những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới có thể để phân biệt rõ ràng, vì chúng tương tự như các rối loạn tâm thần khác, bao gồm:

    Dấu hiệu nhận biết người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới
    Dấu hiệu nhận biết người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới
    • Thay đổi tâm trạng đột ngột trong vài giờ hoặc vài ngày, từ vui vẻ sang đau buồn cực độ
    • Dễ phát cáu và khó kiểm soát sự tức giận
    • Sợ bị bỏ rơi, không thoải mái khi ở một mình, thậm chí theo dõi người thân hoặc ngăn không cho họ rời xa.
    • Phản ứng cực đoan, hoảng loạn, giận dữ hoặc phản ứng điên cuồng
    • Cảm giác trống rỗng, sống không có mục đích, cô đơn, chán nản xảy ra thường xuyên và kéo dài
    • Các mối quan hệ căng thẳng, không ổn định vì người bệnh thường thay đổi quan điểm về người khác một cách đột ngột.
    • Có một số hành vi bốc đồng, thiếu suy nghĩ, mất kiểm soát như lãng phí tiền bạc, chi tiêu không kiểm soát, quan hệ tình dục không an toàn, nguy hiểm hoặc lạm dụng chất kích thích
    • Tự làm hại bản thân hoặc có hành vi tự tử chấm dứt cuộc sống
    • Sống xa rời thực tế, hoang tưởng, căng thẳng hoặc triệu chứng cô lập nghiêm trọng.
    • Hình ảnh bản thân bị bóp méo, tự đánh giá thấp bản thân, cảm thấy tội lỗi, xấu hổ.

    Hậu quả của hội chứng rối loạn nhân cách ranh giới

    Rối loạn nhân cách ranh giới có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sinh hoạt, mối quan hệ của người bệnh.

    • Thay đổi công việc liên tục hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp.
    • Không thể hoàn thành các chương trình học.
    • Gặp vấn đề liên quan đến pháp luật.
    • Các mối quan hệ thường xuyên căng thẳng, xung đột, điển hình là mâu thuẫn vợ chồng.
    • Tự gây tổn hại cho bản thân qua các hành vi bạo lực.
    • Tham gia vào các hoạt động tiêu cực, chẳng hạn như lăng mạ hoặc hành hung người khác.
    • Dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, hoặc gặp phải những tai nạn, thương tích do hành vi thiếu kiềm chế.
    • Có ý định tự tử hoặc đã từng cố gắng tự sát.
    Rối loạn nhân cách ranh giới gây khó khăn cho bản thân, gia đình và xã hội
    Rối loạn nhân cách ranh giới gây khó khăn cho bản thân, gia đình và xã hội

    Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần khác, bao gồm:

    • Rối loạn lưỡng cực
    • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
    • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
    • Rối loạn ăn uống
    • Rối loạn lo âu
    • Trầm cảm
    • Lạm dụng chất kích thích và rượu
    • Các rối loạn nhân cách khác

    Phương pháp chẩn đoán và điều trị rối loạn nhân cách ranh giới

    Cách chẩn đoán rối loạn nhân cách ranh giới

    Để chẩn đoán rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Quá trình này bao gồm:

    • Kiểm tra lịch sử bệnh của cá nhân và gia đình, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
    • Trao đổi về công việc và cuộc sống của người bệnh.
    • Hoàn thành các bảng câu hỏi liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần.
    • Thảo luận về những dấu hiệu và triệu chứng hiện tại.

    Ngoài ra, bác sĩ có thể trao đổi thêm với gia đình và bạn bè để hiểu rõ hơn về hành vi và lối sống của người bệnh.

    Cách điều trị rối loạn nhân cách ranh giới

    Điều trị rối loạn nhân cách ranh giới chủ yếu dựa vào liệu pháp tâm lý. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần dùng thuốc hoặc nhập viện nếu tình trạng nghiêm trọng. Một số phương pháp điều trị BPD chính bao gồm:

    • Tâm lý trị liệu: Đây là phương pháp chính để điều trị rối loạn nhân cách ranh giới, thông qua các cuộc trò chuyện giữa người bệnh và chuyên gia.
    • Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Phương pháp này giúp người bệnh chấp nhận thực tế và học cách kiểm soát hành vi, cải thiện mối quan hệ xung quanh.
    • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Liệu pháp này giúp người bệnh hiểu rõ suy nghĩ, cảm xúc của mình, từ đó thay đổi những hành vi và suy nghĩ tiêu cực thành tích cực và lành mạnh hơn.
    • Thuốc: Dù chưa có thuốc đặc trị cho BPD, một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần hoặc ổn định tâm trạng có thể giúp giảm triệu chứng như trầm cảm, lo âu, hoặc hành vi bốc đồng.
    • STEPPS: Đây là chương trình điều trị kéo dài 20 tuần, trong đó người bệnh làm việc theo nhóm cùng gia đình, bạn bè, kết hợp với các phương pháp trị liệu khác.
    • Nhập viện: Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần nhập viện để được điều trị chuyên sâu và ngăn chặn các hành vi tự gây thương tích hoặc tự tử.

    Phòng ngừa rối loạn nhân cách ranh giới thế nào

    Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Bệnh chủ yếu liên quan đến yếu tố di truyền, và nguy cơ mắc cao hơn nếu gia đình có người bị bệnh này.

    Hãy nhờ sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý
    Hãy nhờ sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý

    Tuy nhiên, để giảm thiểu các hành vi tiêu cực và kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, bạn có thể thực hiện những điều sau:

    • Tìm hiểu về rối loạn nhân cách ranh giới để nắm rõ nguyên nhân và cách điều trị.
    • Học cách nhận diện các yếu tố khiến bạn dễ giận dữ hoặc hành động bốc đồng.
    • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý và tuân thủ quy trình điều trị.
    • Giải quyết các vấn đề khác có liên quan, như lạm dụng chất kích thích.
    • Nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ từ bạn bè và gia đình.
    • Quản lý cảm xúc thông qua các kỹ thuật như hít thở sâu hoặc thiền.
    • Không suy đoán về những gì người khác nghĩ hay cảm nhận về bạn.
    • Kết nối với những người mắc các chứng rối loạn khác để chia sẻ kinh nghiệm.
    • Duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục thể thao.
    • Đừng tự trách bản thân vì chứng rối loạn, mà hãy nhận ra trách nhiệm của mình trong quá trình điều trị.

    Các câu hỏi liên quan (FAQ) về rối loạn nhân cách ranh giới

    Rối loạn nhân cách ranh giới nguy hiểm không?

    Rối loạn nhân cách ranh giới có thể gây nguy hiểm cho người bệnh và người xung quanh. Nguy cơ bao gồm:

    • Tâm lý bất ổn: Người bệnh thường thay đổi cảm xúc nhanh chóng, từ giận dữ, lo lắng, buồn bã đến trống rỗng.
    • Xung đột gia tăng: Họ gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ, dễ xảy ra tranh cãi, đặc biệt là trong tình cảm.
    • Tự làm tổn thương: Họ có thể tự hại mình hoặc có ý định tự tử, đe dọa sức khỏe và tính mạng.

    Rối loạn nhân cách ranh giới chữa dứt điểm được không?

    Có thể chữa được! Nếu điều trị đúng cách, người bệnh có thể hồi phục. Phương pháp điều trị chính là liệu pháp tâm lý, kết hợp với thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần, hoặc chống lo âu để giảm triệu chứng.

    BPD có phải là trầm cảm không?

    Không. Rối loạn nhân cách ranh giới khác với trầm cảm, nhưng hai tình trạng này thường xảy ra cùng nhau.

    Khám và điều trị rối loạn nhân cách ranh giới ở đâu?

    Khi người bệnh không thể kiểm soát cảm xúc, hành động tiêu cực hoặc có ý định tự tử, họ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Nhưng nếu họ chỉ có những biểu hiện bất thường về tâm lý và cảm xúc, có thể tư vấn tâm lý online cùng chuyên gia trên Askany.

    Đó là những thông tin về rối loạn nhân cách ranh giới bao gồm triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị. Nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh BPD này, đừng ngần ngại liên hệ với các chuyên gia tâm lý trên Askany để được hỗ trợ kịp thời.