Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

  • blog
    Kim Nguyễnblog
  • blog

    Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một vấn đề tâm lý cực kỳ nguy hiểm. Bạn đã bao giờ gặp một người luôn coi thường pháp luật, dễ nổi cáu và không bao giờ hối hận về những hành vi sai trái của mình hay chưa? Phía sau những hành vi lừa đảo, bạo lực, vô tâm ấy có thể ẩn chứa một dạng rối loạn tâm lý cực kỳ nghiêm trọng. Rất có thể họ đã mắc chứng ASPD - Rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Những hành động mà bệnh nhân gây ra không chỉ gây hại cho những người xung quanh mà còn ảnh hưởng đến chính cuộc sống của họ.

    Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là gì?

    Theo Wikipedia, Rối loạn nhân cách chống xã hội (tiếng Anh: antisocial personality disorder, hay viết tắt là ASPD) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự coi thường và vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người khác, cũng như gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội lâu dài. Những người mắc ASPD thường thiếu đồng cảm, không hối hận, có xu hướng lạm dụng chất kích thích, thao túng người khác để đạt được mục đích cá nhân và tham gia vào các hành vi phạm pháp.

    Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một vấn đề tâm lý phức tạp
    Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một vấn đề tâm lý phức tạp

    Tỷ lệ mắc ASPD cao hơn ở nam giới so với nữ giới và thường bắt đầu xuất hiện từ thời ấu thơ hoặc thanh thiếu niên.

    Các triệu chứng điển hình của rối loạn nhân cách chống đối xã hội

    Dấu hiệu rối loạn nhân cách chống đối xã hội dễ nhận thấy nhất là coi thường và vi phạm quyền lợi của người khác, đặc trưng bởi 3 (hoặc nhiều hơn) các triệu chứng bên dưới đây:

    • Phá hoại tài sản, quấy rối người khác hoặc ăn cắp.
    • Liên tục vi phạm pháp luật.
    • Không thể kiểm soát được cơn tức giận của mình.
    • Gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội lâu dài.
    • Lừa đảo, bóc lột, thao túng người khác để đạt được tiền, quyền lực hoặc tình dục.
    • Sử dụng bí danh để che giấu tên thật.
    • Hành động bốc đồng, không lập kế hoạch trước hoặc xem xét hậu quả.
    • Thay đổi công việc, nhà cửa, hoặc mối quan hệ một cách đột ngột.
    • Lái xe trong tình trạng say rượu, sử dụng ma túy, có thể gây ra tai nạn.
    • Không có trách nhiệm về tài chính, không thanh toán hóa đơn, không trả tiền cấp dưỡng nuôi con.
    • Dễ bị khiêu khích, bắt đầu đánh nhau hoặc lạm dụng bạn tình.
    • Không biết hối hận, đổ lỗi cho nạn nhân hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh.
    • Không có sự đồng cảm với người khác, thờ ơ với cảm xúc và quyền lợi của họ.
    • Tự tin quá mức, kiêu ngạo, quyến rũ, ba hoa nhằm đạt mục đích.
    • Coi thường tính mạng của bản thân hoặc người khác.
    • Người bệnh từ 18 tuổi trở lên.
    • Đã có bằng chứng về rối loạn ứng xử trước 15 tuổi.

    Tìm hiểu thêm:

    Nguyên nhân của rối loạn nhân cách chống xã hội

    Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền và yếu tố môi trường, hoặc sự kết hợp của cả hai.

    Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có tiền sử gia đình mắc ASPD sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Nguy cơ này đặc biệt tăng cao ở cả những trẻ được nhận nuôi và cả trẻ là con đẻ của bố mẹ. Các đột biến gen cũng có thể làm thay đổi hệ thống thần kinh của người bệnh, đặc biệt là các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin sẽ góp phần vào việc hình thành các hành vi chống đối xã hội. Bên cạnh đó, trẻ lớn lên trong môi trường sống không an toàn, bị lạm dụng, bỏ bê hoặc thiếu kỷ luật cũng dễ mắc ASPD hơn.

    Nguyên nhân chính gây ra ASPD là do di truyền và môi trường sống
    Nguyên nhân chính gây ra ASPD là do di truyền và môi trường sống

    Ngoài ra, các bệnh tâm thần khác như rối loạn hành vi, tăng động giảm chú ý, trầm cảm hoặc lo âu có thể cộng hưởng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của ASPD. Chẩn đoán hình ảnh não ở những người mắc rối loạn nhân cách chống xã hội cho thấy, có sự khác biệt về cấu trúc và chức năng của một số vùng não liên quan đến quyết định, sự kiểm soát xung động và lòng trắc ẩn.

    Chẩn đoán ASPD như thế nào?

    Chẩn đoán ASPD dựa trên các cuộc phỏng vấn lâm sàng và các đánh giá tâm lý. Các bác sĩ sẽ đánh giá lịch sử bệnh, hành vi và các triệu chứng của bệnh nhân để đưa ra chẩn đoán.

    Rối loạn nhân cách chống đối xã hội cần được chẩn đoán phân biệt với các rối loạn sau:

    • Rối loạn sử dụng chất: Sẽ rất khó khăn trong việc xác định liệu sự bốc đồng và thiếu trách nhiệm là do rối loạn sử dụng chất hay rối loạn nhân cách chống đối xã hội gây ra. Do đó, để chẩn đoán, cần xem xét tiền sử của bệnh nhân, bao gồm cả giai đoạn không sử dụng chất. Đôi khi, rối loạn nhân cách chống đối xã hội dễ chẩn đoán hơn sau khi rối loạn sử dụng chất được điều trị, nhưng vẫn có thể được chẩn đoán ngay cả khi có biểu hiện của rối loạn sử dụng chất.
    • Rối loạn hành vi: Rối loạn hành vi cũng vi phạm chuẩn mực xã hội nhưng phải xuất hiện trước tuổi 15.
    • Rối loạn nhân cách ái kỷ: Cả hai đều thiếu sự đồng cảm và có xu hướng thao túng người khác. Tuy nhiên, người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ không hung hăng hoặc lừa dối như trong rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
    • Rối loạn nhân cách ranh giới: Có sự tương tự về hành vi thao túng, nhưng người mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường thao túng để nhận sự nuôi dưỡng, không phải để đạt được lợi ích như tiền hoặc quyền lực.

    Phương pháp điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội

    Hiện nay, để điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội, các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần thường áp dụng liệu pháp tâm lý và thuốc. Liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp bệnh nhân học cách quản lý cảm xúc và thay đổi hành vi theo chiều hướng tiêu cực. Trong khi đó, thuốc có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng đi kèm như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý.

    Bạn có thể thực hiện bài test trầm cảm để đánh giá mức độ trầm cảm của bản thân.

    Điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội bằng thuốc và liệu pháp tâm lý
    Điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội bằng thuốc và liệu pháp tâm lý
    • Đối với trẻ em: Việc can thiệp điều trị sớm có thể mang đến những hiệu quả phục hồi tích cực. Nhưng những liệu pháp tâm lý cũng có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến khi trưởng thành của trẻ. Do đó nên cần cân nhắc kỹ và áp dụng, và nên chọn những biện pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
    • Đối với người lớn: Có thể áp dụng thuốc điều trị triệu chứng và kết hợp song song với các liệu pháp tâm lý. Bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú, nhưng với những trường hợp nặng, gây biến chứng thì cần điều trị nội trú, chẳng hạn như cai nghiện chất kích thích hoặc những trường hợp có hành vi tự sát.

    Đó là những thông tin về căn bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội, bao gồm các triệu chứng điển hình, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị. ASPD là một vấn đề xã hội phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ phía gia đình và người thân. Mặc dù chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn, nhưng với sự kết hợp của liệu pháp tâm lý và thuốc, người bệnh có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các hành vi tiêu cực. Nếu bạn đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống liên quan đến các triệu chứng của ASPD, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý trên Askany nhé.