Cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm như thế nào? Đa số người mắc bệnh trầm cảm thường có tâm lý rất dễ tổn thương, họ luôn cần ai đó bên cạnh đồng hành, tin tưởng và không phán xét bệnh tình của mình. Nếu gia đình bạn có người thân đang mắc chứng rối loạn tâm lý này, vậy hãy theo dõi bài viết sau đây của Askany. Chuyên gia tâm lý của chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn những cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm tại nhà, những điều nên và không nên làm để hỗ trợ tinh thần họ tốt nhất.
Triệu chứng bệnh trầm cảm
Theo dự đoán của các chuyên gia, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời mỗi người dao động từ 15% đến 25%, với nữ giới có nguy cơ cao hơn so với nam giới.
Những triệu chứng phổ biến của trầm cảm có thể bao gồm:
- Thay đổi trong giấc ngủ: Có thể gặp khó khăn khi ngủ hoặc ngủ quá nhiều, nhưng khi thức giấc lại cảm thấy mệt mỏi như là không được nghỉ ngơi đầy đủ.
- Thay đổi về thói quen ăn uống: Thường không cảm thấy ngon miệng, hoặc có thể ăn uống thái quá, dẫn đến việc thay đổi cân nặng bất thường như giảm cân hoặc tăng cân.
- Cảm giác buồn bã thường xuyên, dễ cáu gắt và dễ bị kích thích.
- Mất năng lượng và hứng thú với những việc mình yêu thích trước đây, luôn cảm thấy tự ti, chán nản và tuyệt vọng.
Nếu bạn nhận thấy người thân có những triệu chứng như trên, có thể họ đang bị trầm cảm. Lúc này họ thường rất nhạy cảm, vì vậy bạn nên ứng xử nhẹ nhàng và khéo léo để khuyến khích họ đi khám.
Bạn cũng nên chú ý cách chăm sóc người thân mắc trầm cảm được chuyên gia Askany chia sẻ dưới đây để không làm tình trạng của họ xấu đi và giúp họ sớm hồi phục.
Cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm hiệu quả
Dưới đây là tổng hợp những điều nên làm và không nên làm khi chăm sóc người thân bị trầm cảm
Trò chuyện với người thân
Bạn nên trò chuyện với họ để hiểu về những gì họ đang trải qua. Dù bạn có thể không hoàn toàn hiểu hết vấn đề mà họ chia sẻ, nhưng cũng nên cho họ thấy rằng bạn biết họ đang thực sự khó khăn. Tuyệt đối không nên phán xét mà hãy kiên nhẫn lắng nghe họ.
Khi trò chuyện hiệu quả, người bị trầm cảm sẽ giải tỏa được âu lo, phiền não và sắp xếp lại những suy nghĩ của mình.
Dành thời gian bên cạnh người bệnh cũng rất quan trọng. Bạn có thể:
- Cùng đi mua sắm hoặc đi chợ.
- Tập thể dục chung như yoga hay chạy bộ.
- Nấu ăn hoặc xem phim hài (tránh các phim buồn).
- Làm việc nhà hoặc sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc.
- Đi du lịch hoặc làm những hoạt động tích cực khác.
Nói chung, hãy dành thời gian làm những việc vui vẻ và tích cực cùng họ để giúp họ thoát khỏi tâm trạng buồn bã. Không nên ham gia các hoạt động mang lại cảm xúc tiêu cực, vì điều đó có thể làm tình trạng của họ tồi tệ hơn.
Một số người bị trầm cảm còn có xu hướng làm đau bản thân, vì vậy khi bên cạnh người thân thường xuyên, bạn cũng sẽ đảm bảo được họ không có ý định làm mình bị thương hay có hành vi tự tử.
Kiên nhẫn và tôn trọng
Người mắc bệnh trầm cảm thường cảm thấy u uất và buồn bã trong thời gian dài. Điều này có thể làm bạn cảm thấy bực bội và chán nản, bởi vì dường như sự hỗ trợ của bạn không mang lại thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên bạn phải hiểu rằng, trầm cảm cần rất nhiều thời gian để điều trị, bản thân người bệnh cũng muốn thoát ra khỏi căn bệnh này nhưng thực sự không dễ dàng.
Hãy thể hiện sự tôn trọng và kiên nhẫn với người thân bị trầm cảm của bạn và cho họ không gian riêng khi cần. Luôn tin tưởng, kiên nhẫn và tôn trọng họ. Điều này sẽ giúp ích cho họ rất nhiều trong quá trình điều trị và hồi phục.
Nhờ người khác hỗ trợ
Trầm cảm cần thời gian dài để điều trị, và việc chăm sóc người bệnh có thể làm bạn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Do đó, hãy tìm sự hỗ trợ từ các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè xung quanh để cùng giúp người thân trầm cảm của bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Điều này cũng giúp bạn giảm bớt căng thẳng khi phải lắng nghe nhiều tâm sự "buồn" từ phía người trầm cảm. Nếu bạn không phải là người mà họ cảm thấy thoải mái để trò chuyện, hãy tìm một người nào đó mà họ tin tưởng nhất để nói về tình trạng bệnh.
Tư vấn cùng chuyên gia tâm lý
Tư vấn cùng các chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý cũng rất quan trọng. Họ có thể cho bạn và người thân những lời khuyên bổ ích để việc điều trị hiệu quả, nhanh chóng hơn. Nếu chỉ mới giai đoạn mới chớm và có những dấu hiệu trầm cảm nhẹ, bạn có thể test trầm cảm online và trò chuyện 1:1 cùng chuyên gia tâm lý tại Askany.
Theo kinh nghiệm từ Askany, nhiều bệnh nhân trầm cảm không sẵn sàng đến khám bác sĩ tâm lý ngay. Vì vậy, người nhà nên chủ động sắp xếp cuộc hẹn trước hoặc thử tư vấn từ xa qua video, điều này có thể hiệu quả hơn rất nhiều.
Cuối cùng, nếu họ có dấu hiệu tự làm hại bản thân, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.
Giữ gìn sức khỏe của chính bạn
Chăm sóc người thân bị trầm cảm là một hành trình dài và đầy thách thức. Đôi khi, vì quá quan tâm đến họ, bạn có thể quên mất bản thân mình. Cho nên trong trường hợp này, bạn cảm thấy mệt mỏi, thậm chí cáu giận là chuyện hết sức bình thường.
Nếu bạn luôn đặt hết tâm sức vào việc chăm sóc người khác mà không dành thời gian cho bản thân, cả hai đều sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, nên dành thời gian cho những hoạt động mà bạn yêu thích, gặp gỡ bạn bè, hoặc đơn giản chỉ là thư giãn để tâm trạng của bạn không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi bệnh nhân trầm cảm.
Tìm hiểu về trầm cảm cũng là một cách để bạn hỗ trợ người thân tốt hơn. Bạn có thể đọc thêm tài liệu, sách báo nước ngoài hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ về trầm cảm. Khi hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bạn sẽ biết cách đồng cảm và kiên nhẫn hơn với những khó khăn mà họ đang trải qua.
Không nên chăm sóc họ một mình
Chăm sóc người bệnh trầm cảm một mình có thể làm bạn và người bệnh cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi hơn. Hãy tìm sự hỗ trợ từ người khác để chia sẻ gánh nặng và giúp cả hai cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Không nên đưa ra lời khuyên
Bạn không phải là chuyên gia tâm lý, nên việc đưa ra lời khuyên có thể không giúp ích nhiều cho người bệnh. Người trầm cảm cũng không thích ai đó ra lệnh, bảo họ phải như thế này hoặc như thế kia thì mới tốt. Thay vào đó, bạn nên là một người đáng tin cậy, luôn ở bên để hỗ trợ và động viên trong suốt quá trình điều trị.
Không so sánh những trải nghiệm của họ
Mỗi người mắc trầm cảm có những triệu chứng và cảm nhận riêng biệt. Đừng so sánh những gì họ đang trải qua với người khác hay với chính bạn. Việc này có thể làm họ cảm thấy cô lập và khó mở lòng với bạn hơn.
Thay vào đó, hãy lắng nghe chân thành và đồng cảm với họ. Điều họ cần là sự thấu hiểu và hỗ trợ từ bạn.
Không tự ý cho họ dùng thuốc
Chỉ bác sĩ chuyên khoa mới có thể chỉ định và tư vấn về việc sử dụng thuốc điều trị trầm cảm. Bạn không nên tự mua thuốc hoặc khuyên người bệnh dùng thuốc chống trầm cảm mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc này chẳng những không không giúp cải thiện tình trạng mà còn gây hại cho sức khỏe của họ.
Hãy cẩn trọng với việc cho người thân sử dụng thuốc trong quá trình điều trị trầm cảm. Nên nhớ, trầm cảm cần rất nhiều thời gian để điều trị và bệnh nhân luôn cần một người luôn sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ và cho họ không gian riêng khi họ cần.
Cuối cùng, nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia và bác sĩ tâm lý là rất quan trọng. Việc này không những giúp cho người bệnh mà còn giúp ích cho chính bản thân bạn.
Xem thêm các nội dung liên quan:
- Trầm cảm di truyền: tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp
- Người trầm cảm có tự khỏi được không? Giải đáp từ chuyên gia
Đó là toàn bộ thông tin về cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm mà bạn nên lưu ý. Hãy nhớ luôn trò chuyện, kiên nhẫn và tôn trọng bệnh nhân. Bạn cũng cần cho họ không gian riêng khi cần thiết. Đồng thời không nên phán xét, so sánh hoặc cho họ sử dụng thuốc điều trị trầm cảm một cách tùy tiện. Bất cứ khi có cầu hỏi hoặc cần sự hỗ trợ từ người có chuyên môn, các chuyên gia tâm lý/ bác sĩ chuyên khoa tại Askany luôn có mặt và sẵn sàng giúp bạn và người thân vượt qua giai đoạn này, liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay.