Trầm cảm sau ly hôn: 4 cách đơn giản để vượt qua nỗi buồn
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Trầm cảm sau ly hôn: 4 cách đơn giản để vượt qua nỗi buồn

  • blog
    Tác giả tâm lý Kim Nguyễnblog
  • blog

    Trầm cảm sau ly hôn là vấn đề tâm lý phổ biến mà nhiều người trải qua sau khi kết thúc một cuộc hôn nhân dang dở. Có thể nói, đây là một phản ứng tự nhiên trước những thay đổi lớn trong cuộc đời, đặc biệt là khi bạn mất đi một người đồng hành sau nhiều năm chung sống. Nhiều người sau ly hôn thường cảm thấy lạc lõng, cô đơn và chìm đắm trong nỗi buồn vô tận. Để biết cách vượt qua cú sốc tâm lý này, bạn có thể theo dõi bài viết sau đây được chia sẻ từ kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn tâm lý miễn phí trên Askany.

    Trầm cảm có thể xảy ra sau khi ly hôn không?

    Hôn nhân kết thúc là một sự kiện làm thay đổi cuộc đời, có thể gây ra nhiều cảm xúc khác nhau. Bất kể một người có phải là người chủ động ly hôn hay không, người ta cũng có thể cảm thấy căng thẳng và cô đơn hơn hoặc thấy mình không hạnh phúc.

    Trong nhiều trường hợp, ly hôn có thể khiến một hoặc cả hai bên trải qua giai đoạn trầm cảm. Trầm cảm sau ly hôn này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, từ ngay sau khi ly hôn cho đến nhiều năm sau đó. Nó có thể kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm hoặc suốt cuộc đời còn lại của một người.

    Trầm cảm sau ly hôn có thể kéo dài vài năm thậm chí là cả cuộc đời còn lại
    Trầm cảm sau ly hôn có thể kéo dài vài năm thậm chí là cả cuộc đời còn lại

    Trầm cảm sau hôn nhân có thể giống như:

    • Trống rỗng
    • Buồn bã
    • Không thể cảm thấy vui vẻ hoặc hạnh phúc
    • Kết hợp của cả ba

    Trầm cảm sau hôn nhân có thể từ nỗi buồn dai dẳng đến những cơn trầm cảm nhẹ hoặc dữ dội. Nó cũng có thể làm suy nhược sức khỏe thể chất của một người.

    Dấu hiệu nhận biết người bị trầm cảm sau ly hôn

    Ngoài những triệu chứng phổ biến như cảm giác trống rỗng, buồn bã và không thể cảm thấy hạnh phúc, trầm cảm sau ly hôn cũng có thể biểu hiện dưới các hình thức sau:

    • Cảm giác vô vọng và chán nản.
    • Có suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, nhìn mọi thứ theo hướng xấu nhất.
    • Dễ nổi nóng và cáu kỉnh.
    • Khóc thường xuyên hoặc khóc không có lý do.
    • Khó ngủ hoặc mất ngủ.
    • Kiệt sức hoặc ngủ quá nhiều.
    • Mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá nhiều để tìm sự thoải mái.
    • Tăng cân hoặc giảm cân một cách đáng kể mà không kiểm soát được.
    • Mất hứng thú với những việc từng thích hoặc làm thường xuyên.
    • Bất an và lo âu.
    • Bồn chồn và không yên tâm.
    • Không muốn thức giấc vào buổi sáng
    • Không tự trọng và thiếu tự tin.
    • Khó khăn trong việc tập trung hoặc đưa ra quyết định.
    • Cảm giác như những người xung quanh đang bàn tán, nói về chuyện về vấn đề ly hôn của mình.
    • Tránh né những nơi ngày xưa 2 người từng đến.
    • Chậm phản ứng và chậm hiểu.
    •  Đau đầu hoặc đau bụng.
    • Cảm giác có lỗi và tự trách.
    • Tránh né, sợ hãi và từ chối sự quan tâm từ người khác.
    • Sử dụng chất kích thích quá mức thuốc hoặc rượu.
    • Có ý định tự tử hoặc nghĩ nhiều về cái chết.

    Ngoài ra, bạn có thể làm bài test trầm cảm để tự đánh giá tình trạng hiện tại của bản thân.

    Nguyên nhân khiến bạn bị trầm cảm sau ly hôn

    Trầm cảm sau ly hôn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như căng thẳng tâm lý, thay đổi lối sống, khó khăn tài chính, căng thẳng trong mối quan hệ gia đình,...

    Trầm cảm sau ly hôn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau
    Trầm cảm sau ly hôn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau
    • Căng thẳng tâm lý là một yếu tố chính gây ra trầm cảm sau ly hôn. Theo Thang đo căng thẳng cuộc sống Holmes-Rahe, "Ly hôn - Divorce" được xếp hạng thứ hai trong số các sự kiện gây căng thẳng lớn nhất có thể xảy ra với một người.
    • Thay đổi lớn về lối sống có thế khiến người ta phải đối mặt với những thách thức mới, gây ra áp lực và phiền muộn.
    • Khó khăn tài chính, thiếu thốn tiền bạc có thể được xem là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến trầm cảm sau ly hôn. Ly hôn là một quá trình tốn kém, từ phí luật sư đến tiền trợ cấp nuôi con và việc một gia đình không còn 2 nguồn thu nhập như trước có thể khiến chúng ta rơi vào căng thẳng. Căng thẳng tài chính cũng có liên quan chặt chẽ đến trầm cảm.
    • Căng thẳng trong mối quan hệ gia đình cũng là một nguyên nhân cốt lõi. Khi ly hôn, chúng ta có thể gặp căng thẳng trong mối quan hệ với bố mẹ chồng/vợ, khiến chính bản thân mình hoặc họ rơi vào trầm cảm. Ngoài ra, nếu không ly hôn trong hòa bình thì thủ tục tranh chấp quyền nuôi con cũng có thể dẫn đến bất đồng dữ dội cho hai bên.
    • Vợ/chồng cũ bắt đầu một mối quan hệ với người mới có thể gây ra cảm giác trầm cảm sau ly hôn. Sự xuất hiện của một gia đình mới cũng có thể khiến cho những đứa con chung cảm thấy tủi thân, trầm cảm hoặc một số thành viên khác trong gia đình cũng rơi vào cảm giác tương tự.
    • Mất đi một người yêu thương hoặc một người mình từng yêu thường dẫn đến cảm giác đau buồn, ngay cả khi người đó vẫn còn sống. Đau buồn có thể biểu hiện dưới dạng cảm giác trầm cảm.
    • Các vấn đề sức khỏe như bệnh tật hoặc đau mãn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm sau ly hôn.
    • Một số người có thể tự trách bản thân vì đã không thể duy trì cuộc hôn nhân, dẫn đến cảm giác tội lỗi và trầm cảm.

    Cách vượt qua trầm cảm sau ly hôn

    Chăm sóc bản thân

    Chăm sóc bản thân là yếu tố quan trọng giúp bạn vượt qua trầm cảm sau ly hôn. Để cải thiện tình trạng này, hãy chú ý đến những khía cạnh sau:

    • Dinh dưỡng: Ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng.
    • Ngủ đủ: Đảm bảo giấc ngủ ngon và phục hồi năng lượng.
    • Vận động: Tập thể dục thường xuyên để tăng cường hormone hạnh phúc, giúp cải thiện tâm trạng.
    • Giải trí: Dành thời gian cho những hoạt động bạn yêu thích để giảm căng thẳng.
    Tập thể thao có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm sau ly hôn và tăng hormone hạnh phúc
    Tập thể thao có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm sau ly hôn và tăng hormone hạnh phúc

    Trầm cảm có thể gây khó ngủ, làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Hãy tạo thói quen thư giãn trước khi ngủ bằng cách uống trà hoa cúc, tắm bồn, hoặc đọc sách. Hạn chế việc sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ để có giấc ngủ sâu hơn.

    Ngoài ra, đừng quên "nuông chiều" bản thân. Dành thời gian thư giãn, xem phim hay, hoặc tắm bồn. Nếu bạn có con nhỏ, hãy nhờ người thân hoặc bạn bè giúp trông trẻ trong một khoảng thời gian để bạn có cơ hội chăm sóc bản thân của mình nhé.

    Viết nhật ký

    Để giải tỏa cảm xúc và vượt qua giai đoạn trầm cảm sau ly hôn, bạn có thể tập viết nhật ký để bộc lộ những suy nghĩ khó nói của mình. Đặc biệt, nếu bạn cảm thấy cần khép lại một giai đoạn, hãy thử viết một lá thư cho vợ/chồng cũ để giải tỏa cảm xúc. Tuy nhiên, không nhất thiết phải gửi lá thư này.

    Tìm kiếm sự trợ giúp từ người xung quanh

    Nếu bạn tự cô lập bản thân mình, bạn sẽ có nguy cơ bị trầm cảm nặng hơn. Do đó hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè xung quanh. Bạn nên giao tiếp xã hội thường xuyên, dù là gặp mặt trực tiếp hay trò chuyện qua điện thoại, điều này sẽ giúp cải thiện trạng thái tinh thần của bạn. Cố gắng kết nối với người khác ít nhất một lần mỗi ngày để tránh cảm giác cô đơn.

    Tham gia các hội nhóm cùng hoàn cảnh

    Tham gia hội nhóm cùng hoàn cảnh có thể giúp ích đáng kể cho bạn trong quá trình điều trị trầm cảm. Đây có thể là các nhóm hỗ trợ chuyên nghiệp hoặc nhóm cộng đồng trên mạng xã hội. Tại đây, bạn sẽ cảm thấy an toàn, được lắng nghe và không bị phán xét. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm có thể chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật giảm căng thẳng, giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn dễ dàng hơn.

    Khi nào cần trị liệu tâm lý trầm cảm sau ly hôn?

    Nếu bạn cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, chán nản kéo dài hơn hai tuần, đó chính là dấu hiệu bạn nên trị liệu tâm lý trầm cảm sau ly hôn. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý được các chuyên gia tâm lý tại Askany áp dụng như: Nhận thức - Hành vi (CBT), Kích hoạt hành vi (BA), liệu pháp liên cá nhân, Giải quyết vấn đề... sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực bên trong. Từ đó thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống, biết cách đối phó với stress hiệu quả hơn.

    Trầm Cảm Sau Ly Hôn
    Trầm Cảm Sau Ly Hôn

    Trên đây là thông tin về những dấu hiệu và cách vượt qua trầm cảm sau ly hôn. Đây là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng mà bạn không nên chủ quan. Nếu cảm thấy mình có những dấu hiệu trên kéo dài hơn 2 tuần liền, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Tại Askany, bạn có thể đặt lịch hẹn và thiết lập một cuộc gặp mặt online, riêng tư với chuyên gia tư vấn. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của bạn.