Trầm cảm ở trẻ em: Nhận biết, nguyên nhân và cách hỗ trợ
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Trầm cảm ở trẻ em: Nhận biết, nguyên nhân và cách hỗ trợ

  • blog
    Kim Nguyễnblog
  • blog

    Trầm cảm ở trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ em trầm cảm có xu hướng tăng đột biến. Để biết thêm chi tiết về dấu hiệu của trầm cảm ở trẻ em, nguyên nhân và cách phòng ngừa, điều trị, hãy theo dõi bài viết sau đây từ các chuyên gia tâm lý trên ứng dụng Askany.

    Trầm cảm ở trẻ em là gì?

    Trầm cảm ở trẻ em là một rối loạn tâm trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cách trẻ cảm nhận, suy nghĩ và hành xử. Khác với cảm giác buồn bã đơn thuần thoáng qua mà trẻ thường gặp sau một sự kiện khó khăn hay biến cố, trầm cảm ở trẻ em có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của trẻ.

    Trầm cảm ở mức độ nghiêm trọng có thể khiến trẻ có xu hướng tự tử hoặc suy nghĩ đến cái chết. Bé gái có xu hướng nghĩ đến tự tử nhiều hơn, còn bé trai có xu hướng thực hiện hành động tự tử cao hơn.

    Định nghĩa trầm cảm ở trẻ em
    Định nghĩa trầm cảm ở trẻ em

    Dưới đây là ba loại rối loạn trầm cảm ở trẻ em mà bố mẹ cần nắm, bao gồm: Rối loạn tâm trạng hỗn hợp, rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn khí sắc.

    Rối loạn tâm trạng hỗn hợp

    Loại trầm cảm này xuất hiện chủ yếu ở trẻ em từ 6 đến 10 tuổi, có giai đoạn hưng cảm và trầm cảm xen kẽ nhau. Bắt nguồn từ việc khó chịu hoặc không hài lòng với một điều gì liên tục trong thời gian dài. Từ đó, trẻ thường xuyên có biểu hiện cáu gắt, giận dữ không lý do, chống đối, hiếu động thái quá, làm tổn thương người khác. Các cơn kích động xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng

    Rối loạn trầm cảm chủ yếu

    Trầm cảm loại này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn là ở trẻ em sau tuổi dậy thì và người trưởng thành với các dấu hiệu đặc trưng kéo dài hơn 2 tuần. Một số biểu hiện thường thấy là: buồn bã, mất hứng thú, bi quan, mệt mỏi, ủ rũ,  tự tách biệt ra khỏi tập thể, ăn uống bất thường, chán ghét mọi thứ xung quanh, có cảm giác bị tách biệt, liên tục nghĩ về cái chết,.... Lưu ý, rối loạn trầm cảm chủ yếu có nguy cơ tái phát cao nếu không được điều trị và cần được chẩn đoán và điều trị bởi chuyên gia tâm lý.

    Rối loạn khí sắc

    Các triệu chứng của loại trầm cảm này có thể kéo dài liên tục trong nhiều năm (khoảng 5 năm) và gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Một số biểu hiện thường gặp như ù tai kéo dài, chán ăn, mệt mỏi, bi quan, tuyệt vọng, khó ngủ, uể oải, buồn, trạng thái trầm cảm hoặc tức giận dai dẳng nhưng ít nghiêm trọng hơn so với rối loạn trầm cảm chủ yếu.

    Nếu bạn lo lắng về sức khỏe tâm thần của con mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý của Askany để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

    Trầm cảm ở trẻ em có phổ biến không?

    Theo Báo cáo của UNICEF tại Việt Nam cho thấy từ 8% đến 29% trẻ em và thanh thiếu niên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu năm 2014 tại 10 tỉnh thành báo cáo rằng khoảng 12% trẻ em, tức hơn 3 triệu trẻ, cần chăm sóc tâm thần nhưng chỉ 20% trong số đó được hỗ trợ y tế.

    Theo TS Đỗ Minh Loan từ Bệnh viện Nhi Trung Ương, 26,3% trẻ vị thành niên bị trầm cảm, 6,3% có suy nghĩ về cái chết, 4,6% lập kế hoạch tự tử, và 5,8% đã cố gắng tự tử.

    Nhiều phụ huynh không nhận ra sự nghiêm trọng này và chậm phát hiện tình trạng bất thường của con. Điều này khiến trầm cảm ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

    Nghiên cứu khác cho thấy khoảng 7% trẻ mắc hội chứng lo âu và 3% trẻ bị trầm cảm trong độ tuổi từ 3 – 17. Nguy cơ trầm cảm và lo âu tăng cao hơn ở độ tuổi 12 – 17. Tại Hoa Kỳ, khoảng 3,2 triệu thanh thiếu niên từ 12 – 17 tuổi, chiếm 13,3% dân số cùng độ tuổi, đã trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng. Thanh thiếu niên mắc hội chứng lo âu ở Hoa Kỳ ước tính là 31,9%.

    Nguyên nhân trầm cảm ở trẻ em

    Nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ em
    Nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ em

    Trầm cảm ở trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả yếu tố di truyền và môi trường. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra trầm cảm ở trẻ:

    • Áp lực học tập: Nhiều gia đình thường so sánh và tạo áp lực cho con cái về thành tích học tập, dẫn đến việc trẻ bị căng thẳng và mệt mỏi. Tình trạng này liên tục diễn ra trong thời gian dài có thể gây ra trầm cảm. Nhiều chuyên gia tâm thần học cho biết, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
    • Bạo lực học đường: Đây cũng là một nguyên nhân chính gây trầm cảm ở trẻ. Các bé khi bị bạo lực thường có xu hướng che giấu, sợ hãi và sống khép kín, từ đó dẫn đến trầm cảm.
    • Ảnh hưởng từ hạnh phúc gia đình: Gia đình hạnh phúc có ảnh hưởng rất tích cực đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Ngược lại, mâu thuẫn gia đình, thiếu sự quan tâm, yêu thương, hay những lời chê trách, la mắng có thể khiến trẻ cảm thấy tổn thương, thiếu tự tin và dẫn đến trầm cảm.
    • Bị áp đặt: Bố mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư và sở thích cá nhân của con sẽ khiến trẻ cảm thấy bị gò bó và không thoải mái, không được tôn trọng, từ đó tạo ra rào cản tâm lý giữa trẻ và bố mẹ.
    • Thay đổi môi trường sống: Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với những thay đổi từ môi trường sống mới. Cha mẹ nên dành thời gian để chuẩn bị cho trẻ về những thay đổi sắp tới (nếu có), đồng thời hỗ trợ và động viên trẻ để trẻ có thể hòa nhập nhanh chóng với bạn bè.
    • Chấn thương tâm lý: Các sự kiện đau buồn như mất người thân, bị lạm dụng tình dục, kết quả học tập sa sút, bố mẹ ly hôn, và bạo lực gia đình có thể gây ra các cú sốc tâm lý nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ trầm cảm
    • Di truyền: Trầm cảm do yếu tố di truyền thường xảy ra ở trẻ từ 1-6 tuổi. Nghiên cứu cho thấy khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến ADN; trẻ có người thân bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 3 lần so với trẻ bình thường. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm, cha mẹ cần chú ý quan sát và có biện pháp phòng ngừa phù hợp để bảo vệ sức khỏe tinh thần của trẻ.

    Xem thêm:

    Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em

    Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ em
    Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ em

    Biểu hiện trầm cảm ở trẻ em có những đặc điểm khác biệt so với người lớn, bao gồm:

    1. Triệu chứng cơ thể: Trẻ thường biểu hiện trầm cảm qua các triệu chứng cơ thể như đau đầu, đau bụng, đau ngực, và cảm giác ngột ngạt kèm lo âu, buồn chán. Đây chính là những triệu chứng điển hình của trầm cảm nhẹ mà phụ huynh thường chủ quan và bỏ qua. Hoặc cho con đến khám tại các khoa bệnh lý cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, thần kinh,... và điều trị bằng các loại thuốc đặc trị nhưng không mang lại kết quả, không tìm thấy các tổn thương thực thể rõ ràng.
    2. Khí sắc trầm: Trẻ có cảm giác buồn chán không rõ nguyên nhân, dễ cáu kỉnh, giảm hứng thú trong học tập và các hoạt động nhóm
    3. Tư duy: Khó tập trung, tiếp thu kém, kết quả học tập sa sút. Một số trẻ có thể hưng phấn thái quá, ảo tưởng về bản thân, học tập ban đầu tốt nhưng sau đó sa sút.
    4. Hoạt động xã hội: Thu mình, cô lập, ít giao tiếp, chia sẻ, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, kể cả người thân. Các em cũng có thể hay phàn nàn rằng không có bạn thân hoặc không có ai để chia sẻ. Các biểu hiện này thay đổi theo nhiều mức độ khác nhau, từ tình trạng kém nhiệt tình đến thờ ơ. Một số có thể tham gia nhóm bạn để chia sẻ, đồng cảm, một số lao đầu vào học tập, số khác lại từ chối làm mọi việc.
    5. Rối loạn ăn uống: Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng, giảm cân hoặc ăn nhiều bất thường dẫn đến tăng cân chóng mặt.
    6. Rối loạn giấc ngủ: Ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường, gặp ác mộng, trằn trọc, khó ngủ, hay thức giấc giữa đêm.
    7. Rối loạn hành vi: Ngoài các triệu chứng về cảm xúc, cơ thể, trẻ còn có các biểu hiện rối loạn hành vi, như quậy phá, chống đối, trốn học, trộm cắp, lập băng nhóm.

    Các biểu hiện trên có thể xuất hiện ở mức độ khác nhau và không phải trẻ nào cũng có đầy đủ các triệu chứng.

    Tự sát cũng là dấu hiệu nghiêm trọng cuối cùng trong bệnh trầm cảm ở trẻ, với các mức độ khác nhau từ có ý tưởng cho đến có hành vi tự sát. Trẻ có thể thực hiện hành vi này bằng các hình thức khác nhau như: uống thuốc, cắt mạch máu, đập đầu vào tường, thắt cổ,... và thường xảy ra ở trẻ em có mức độ trầm cảm nặng.

    Tác động của trầm cảm đối với trẻ em

    Trầm cảm được xếp vào một trong những bệnh lý tâm lý đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em. Bệnh không chỉ khiến trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, buồn bã, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như tách biệt khỏi xã hội, suy nghĩ tiêu cực và nguy cơ tự tử. Một nghiên cứu với sự tham gia của 202 trẻ em tại Việt Nam về bệnh trầm cảm ở trẻ em đã cho thấy, có khoảng 22.8% trẻ bị trầm cảm và có đến 23.7% trẻ có xu hướng muốn tự tử.

    Tác động của trầm cảm đối với trẻ em
    Tác động của trầm cảm đối với trẻ em

    Hơn cả mất ngủ và thay đổi thói quen ăn uống, trầm cảm còn gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em, bao gồm:

    • Giấc ngủ: Hầu hết trẻ em bị trầm cảm đều gặp khó khăn trong việc ngủ ngon giấc. Chúng có thể mất ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình và quấy khóc về đêm. Nếu tình trạng này kéo dài trên 2 tuần, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.
    • Ăn uống: Trẻ dưới 2 tuổi có thể đảo ngược thói quen bú, còn trẻ trên 3 tuổi có thể bỏ ăn hoặc ăn không kiểm soát.
    • Phát triển: Trẻ bị trầm cảm thường chậm phát triển về nhận thức, đi đứng, giao tiếp so với bạn bè cùng trang lứa.
    • Học tập: Khó tập trung, trí nhớ kém khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập.
    • Giao tiếp: Trẻ có xu hướng sống khép kín, ngại giao tiếp, tham gia hoạt động, thậm chí không muốn tâm sự, chia sẻ với ai.
    • Tâm lý: Trẻ thường buồn bã, có suy nghĩ tiêu cực, hạ thấp bản thân, dẫn đến lo lắng, dễ nóng giận, buồn chồn mà không rõ nguyên nhân.

    Làm thế nào để phát hiện trẻ bị trầm cảm?

    Bệnh trầm cảm thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tuần. Thực tế, không có xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán trầm cảm ở trẻ. Nhưng để loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra y tế kỹ lưỡng (yêu cầu trẻ thực hiện một số thủ thuật y khoa), tiền căn bệnh tật,. Sau đó là triệu chứng, hành vi, các hoạt động của trẻ, cùng với tác động từ gia đình, trường học và môi trường xã hội. Các bệnh lý có thể gồm: thiếu máu, động kinh, rối loạn chức năng gan, thận, chấn thương, suy giáp, cường giáp, bạch cầu đơn nhân và thiếu hụt vitamin D.

    Sau khi có kết quả kiểm tra, bác sĩ nhi khoa sẽ phối hợp với các chuyên gia tâm lý để chẩn đoán tình trạng sức khỏe của trẻ. Sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường cũng rất quan trọng để làm rõ những thay đổi về tâm trạng và hành vi của trẻ.

    Đặc biệt lưu ý về trầm cảm ở tuổi dậy thì

    Ở giai đoạn dậy thì, trẻ đối mặt với nhiều thay đổi về cả thể chất và tâm lý. Sự phát triển về ngoại hình có thể khiến trẻ nhạy cảm, dễ tự ti khi bị trêu chọc và khó hòa nhập cộng đồng. Do đó khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ thường ngại ngùng, khó chia sẻ vấn đề với người thân và bạn bè. Khi không được hướng dẫn đúng cách, trẻ có thể có những suy nghĩ lệch lạc, dễ dẫn đến trầm cảm. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi trẻ bước vào giai đoạn này.

    Phụ huynh nên làm gì khi con mình bị trầm cảm?

    Trẻ bị trầm cảm cần được hỗ trợ và điều trị tích cực từ các chuyên gia tâm lý và người thân càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị trầm cảm ở trẻ em bao gồm liệu pháp tâm lý và thuốc uống, tương tự như ở người trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ dễ bị tác động từ gia đình và môi trường sống bên ngoài hơn vì vậy, bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc trẻ đúng cách, tạo môi trường sống thoải mái và phù hợp. Thông thường, trẻ sẽ được điều trị tâm lý trước, sau đó, nếu bệnh không cải thiện, có thể cân nhắc sử dụng thuốc hỗ trợ.

    Cách điều trị trầm cảm ở trẻ em: Trị liệu tâm lý, dùng thuốc (nếu cần), phương pháp hỗ trợ tại nhà
    Cách điều trị trầm cảm ở trẻ em: Trị liệu tâm lý, dùng thuốc (nếu cần), phương pháp hỗ trợ tại nhà

    Liệu pháp tâm lý chủ yếu được sử dụng là liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT). Phương pháp này giúp trẻ suy nghĩ tích cực hơn và kiểm soát hành vi của mình theo hướng tích cực, giúp trẻ kiểm soát sự lo lắng và nỗi sợ hãi.

    Thuốc trị trầm cảm phổ biến nhất cho trẻ em là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Thuốc này tăng nồng độ serotonin trong não, một chất hóa học giúp gia tăng cảm giác hạnh phúc. Thuốc được bác sĩ kê đơn dựa trên tình trạng sức khỏe, độ tuổi và cân nặng của trẻ. Bố mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc dùng sai liều lượng vì có thể dẫn đến tình trạng rối loạn lưỡng cực (bệnh phấn khích – trầm cảm).

    Cách phòng tránh trẻ em bị trầm cảm

    Phần lớn nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ xuất phát từ cuộc sống hàng ngày. Bố mẹ có thể giúp trẻ giảm nguy cơ bị trầm cảm bằng các biện pháp sau:

    • Xây dựng lối sống khoa học và khuyến khích tập thể dục thường xuyên.
    • Giúp trẻ nhận biết và xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
    • Lựa chọn môi trường an toàn cho trẻ, đặc biệt là trong học đường.
    • Cân bằng thời gian học tập, vui chơi và nghỉ ngơi để tránh căng thẳng.
    • Đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất, phù hợp với lứa tuổi để trẻ phát triển toàn diện.
    • Thường xuyên trò chuyện và chia sẻ với trẻ để hiểu và hỗ trợ kịp thời.

    Các câu hỏi thường gặp (FAQ) về trầm cảm ở trẻ em

    Bệnh trầm cảm ở trẻ có thể khỏi hẳn được không?

    Câu trả lời là có, bệnh trầm cảm ở trẻ em hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, mức độ hồi phục sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ bệnh, thời gian điều trị, sự tuân thủ khi điều trị, môi trường hỗ trợ.

    Với sự điều trị phù hợp, hầu hết trẻ em bị trầm cảm (khoảng 80%) có thể hồi phục hoàn toàn và có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

    Khi nào cần tìm đến chuyên gia?

    Khi nào cần tìm đến chuyên gia
    Khi nào cần tìm đến chuyên gia

    Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu trầm cảm hoặc gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một số dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý bao gồm:

    • Thường xuyên đề cập đến tai nạn hoặc nhắc đến cái chết.
    • Thực hiện các hành động nguy hiểm.
    • Lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, hoặc thuốc lá.
    • Có dấu hiệu khóc lóc, buồn bã ngày càng nghiêm trọng.
    • Trở nên khép kín, ít thể hiện cảm xúc.
    • Cảm thấy tách biệt khỏi xã hội, kể cả gia đình.
    • Gặp vấn đề với ăn uống, giấc ngủ và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
    • Dễ nổi cáu, có hành vi bạo lực hoặc hành vi tình dục không mong muốn.

    Đó là toàn bộ thông tin mà phụ huynh cần biết về trầm cảm ở trẻ em bao gồm: nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị phù hợp. Cha mẹ và người chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ em bị trầm cảm. Hãy tin tưởng và thấu hiểu con mình, lắng nghe con bạn nói về cảm xúc của chúng mà không phán xét, khuyến khích con bạn tìm kiếm sự giúp đỡ, cung cấp cho con bạn một môi trường gia đình an toàn và hỗ trợ, và hãy chăm sóc bản thân. Nếu gặp bất cứ khó khăn gì, các chuyên gia tâm lý tại Askany luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng con em bạn.