Rối loạn tích trữ (Hoarding Disorder): Nguyên nhân và cách điều trị
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Rối loạn tích trữ (Hoarding Disorder): Nguyên nhân và cách điều trị

  • blog
    Tác giả tâm lý Kim Nguyễnblog
  • blog

    Rối loạn tích trữ là một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng bởi việc người bệnh gặp khó khăn khi vứt bỏ các đồ vật không cần thiết hoặc không sử dụng được. Hội chứng này có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi và giới tính nào, tuỳ vào mức độ nặng nhẹ khác nhau sẽ mang đến các hệ luỵ tương đương. Trong bài viết này, Askany sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn rối loạn tích trữ là gì, nguyên nhân từ đâu, biểu hiện ra sao và cách điều trị nào hiệu quả nhất. Hãy theo dõi ngay!

    Rối loạn tích trữ là gì?

    Rối loạn tích trữ hay còn được gọi là Hoarding Disorder, là chứng ám ảnh liên quan đến việc khó vứt bỏ những tài sản, vật dụng đang sở hữu. Người mắc rối loạn tích trữ thường cảm thấy đau khổ khi phải suy nghĩ về việc loại bỏ các món đồ. Do đó, họ có xu hướng không quan tâm đến giá trị hay nhu cầu sử dụng mà tiếp tục tích lũy đồ một cách quá mức.

    Rối loạn tích trữ là gì?
    Rối loạn tích trữ là gì?

    Thói quen tích trữ dẫn đến việc không gian sống trở nên chật chội đến nỗi không còn chỗ để chứa các vật dụng cần thiết khác. Hầu như tất cả các bề mặt như bàn làm việc, bồn rửa, bếp, cầu thang,... đều được chất đống đồ đạc. Khi không còn chỗ bên trong nhà, người bệnh còn có thể để đồ tràn lan ra ngoài bãi đậu xe, sân và các kho chứa khác.

    Trong một số trường hợp, chứng rối loạn tích trữ không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, nhưng nó có thể gây ra những bất tiện đối với những người sống chung. Ngoài ra, rối loạn tích trữ cũng thường đi kèm với các vấn đề tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

    Nguyên nhân gây ra rối loạn tích trữ

    Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy nguyên nhân cụ thể gây ra rối loạn tích trữ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đưa ra quan điểm các yếu tố như di truyền, chức năng não và tình huống căng thẳng có thể góp phần dẫn đến chứng rối loạn này. Bên cạnh đó, người ta còn nhận thấy rối loạn tích trữ thường xuất hiện khá sớm từ 11 - 15 tuổi và có xu hướng phát triển nặng hơn theo thời gian, nhất là ở người lớn tuổi.

    Dưới là 3 yếu tố chính tăng nguy cơ mắc bệnh mà bạn nên biết:

    • Tính cách: Người bị rối loạn tích trữ thường có tính cách thiếu quyết đoán hoặc gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định.
    • Tiền sử gia đình: Phần lớn người có người thân trong gia đình từng có tiền sử bị rối loạn tích trữ thường có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn.
    • Căng thẳng: Đôi khi, việc trải qua những sự kiện, tình huống căng thẳng trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn hoặc tai nạn có thể làm nảy sinh hoặc gia tăng nguy cơ mắc rối loạn tích trữ.

    Biểu hiện của rối loạn tích trữ

    Các biểu hiện nhận biết người mắc chứng rối loạn tích trữ bao gồm:

    • Mua sắm quá nhiều đồ dùng, vật phẩm không cần thiết hoặc không có khả năng sử dụng đến.
    • Cảm thấy khó khăn và có thể từ chối hoặc chần chừ khi loại bỏ những vật dụng không cần thiết dù biết rõ chúng vô dụng.
    • Cảm giác bắt buộc phải giữ lại mọi vật dụng và không thoải mái khi nghĩ đến việc vứt bỏ chúng.
    • Sắp xếp vật dụng lộn xộn khiến ngôi nhà trở nên chật chội và không còn chỗ trống.
    • Thiếu quyết đoán hoặc trì hoãn quyết định về việc loại bỏ các vật phẩm không cần thiết.
    • Gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch và tổ chức không gian sống, làm việc.
    Biểu hiện của rối loạn tích trữ
    Biểu hiện của rối loạn tích trữ

    Tác hại của rối loạn tích trữ

    Như đã nói, đặc trưng của rối loạn tích trữ là người bệnh luôn có nhu cầu thu gom và cất giữ số lượng lớn vật phẩm, đồ dùng không cần thiết dù không gian sinh sống không cho phép. Điều này khiến mọi thứ trở nên lộn xộn và tắc nghẽn một cách nghiêm trọng. Một số hệ luỵ mà chứng rối loạn tích trữ có thể mang đến như sau:

    • Nhiều đồ dùng tích luỹ không có trật tự, tạo nên cảm giác lộn xộn và mất thẩm mỹ trong không gian sống.
    • Việc tích trữ đồ đạc quá mức làm ngôi nhà chật chội và gây khó khăn cho việc sinh hoạt hàng ngày, thậm chí dẫn đến những tình huống không mong muốn như té ngã, hoả hoạn,....
    • Đồ đạc, vật phẩm chất đống dày đặc tạo điều kiện cho rác thải tích tụ, cũng như nhiều loại vi khuẩn, nấm phát triển, từ đó sản sinh ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như lao phổi, hen suyễn, giun sán,....
    • Thói quen tích trữ đồ có thể gây ra những xung đột giữa người bệnh và người sống chung, đặc biệt là khi họ đang cố gắng sắp xếp không gian gọn gàng hơn.
    • Lối sống lộn xộn đôi khi sẽ làm mất đi những vật dụng quan trọng và khiến việc tìm kiếm chúng trở nên khó khăn, mất thời gian.
    Tác hại của rối loạn tích trữ
    Tác hại của rối loạn tích trữ

    Chẩn đoán chứng rối loạn tích trữ

    Trong quá trình chẩn đoán chứng rối loạn tích trữ, các chuyên gia, bác sĩ thường thực hiện đánh giá tâm lý tổng quát bằng cách đưa ra những câu hỏi về tình cảm hạnh phúc và thói quen mua, tiết kiệm độ. Ngoài ra, họ cũng sẽ tìm hiểu xem bạn có đang mắc các triệu chứng của các rối loạn sức khỏe tâm thần khác hay không.

    Thêm vào đó, các chuyên gia, bác sĩ tâm thần có thể sử dụng các tiêu chí được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ để chẩn đoán rối loạn tích trữ một cách tổng quát hơn.

    Cách điều trị rối loạn tích trữ

    Việc điều trị rối loạn tích trữ thực sự rất thử thách, bởi một số trường hợp người bệnh không thể nhận ra mình đang mắc phải, từ đó dẫn đến việc họ không tin rằng bản thân cần điều trị. Vì vậy, để giúp người bệnh rối loạn tích trữ thay đổi tư duy, suy nghĩ và hành vi của mình, các phương pháp điều trị được áp dụng hiệu quả mà bạn có thể tham khảo bao gồm:

    Trị liệu tâm lý

    Trị liệu tâm lý được biết đến là phương pháp điều trị chính dành cho rối loạn tích trữ. Trong đó, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là hình thức trị liệu phổ biến nhất. Lưu ý, việc điều trị này cần sự hỗ trợ thường xuyên từ gia đình và bạn bè, đặc biệt là với người cao tuổi vì họ thường gặp khó khăn trong việc duy trì động lực.

    Điều trị rối loạn tích trữ bằng trị liệu tâm lý
    Điều trị rối loạn tích trữ bằng trị liệu tâm lý

    Do đó, nếu bạn nghi ngờ bản thân đang mắc chứng rối loạn tích trữ, hãy liên hệ với các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán, đánh giá mức độ bệnh và tìm ra giải pháp điều trị phù hợp nhất. Hiện bạn có thể kết nối nhanh chóng với các chuyên gia thông qua ứng dụng Askany, đây là một nền tảng tư vấn trực tuyến quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và đang công tác tại các bệnh viện hàng đầu cả nước.

    Sử dụng thuốc

    Thực tế, không có loại thuốc nào để điều trị rối loạn tích trữ được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA0 chấp thuận. Tuy nhiên, hội chứng này thường đi kèm với các rối loạn như trầm cảm và lo âu, cho nên các loại thuốc chống trầm cảm như SSRIs thường sẽ được bác sĩ kê đơn cho người bệnh rối loạn tích trữ. Thuốc này hoạt động theo cơ chế hỗ trợ cân bằng các serotonin trong não, giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm và cải thiện tinh thần, từ đó giúp người bệnh trở nên tỉnh táo, minh mẫn và quyết đoán hơn.

    Điều chỉnh ý chí

    Với những người mắc rối loạn tích trữ nhẹ nhận thức được bản thân đang gặp vấn đề, hoàn toàn có thể học cách xác định và loại bỏ các suy nghĩ liên quan đến việc tích trữ vật phẩm quá mức. Sau đây là các phương pháp mà người bệnh có thể áp dụng để điều trị chứng rối loạn tích trữ nhẹ:

    • Học cách chống lại ham muốn sở hữu nhiều vật dụng.
    • Tập phân loại và sắp xếp đồ dùng gọn gàng.
    • Cải thiện kỹ năng tự chủ và đưa ra quyết định một cách dứt khoát.
    • Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tăng cường khả năng giao tiếp, tương tác với nhiều người để tránh việc tự cô lập bản thân.
    • Xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và thường xuyên dọn dẹp nhà cửa.
    Điều trị rối loạn tích trữ bằng ý chí
    Điều trị rối loạn tích trữ bằng ý chí

    Nhìn chung, rối loạn tích trữ không quá hiếm gặp, tuy nhiên không phải ai cũng nhận biết được bản thân đang mắc phải. Hy vọng rằng với những thông tin bài viết cung cấp, bạn đã nắm bắt các thông tin quan trọng về hội chứng này, bao gồm nguyên nhân, biểu hiện đặc trưng và cách điều trị để ngăn ngừa những hệ lụy nghiêm trọng có thể xả ra. Ngoài ra, nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ chăm sóc sức khỏe tâm thần uy tín, đừng bỏ lỡ cơ hội kết nối với các chuyên gia tư vấn tâm lý tại ứng dụng Askany. Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại các bệnh viện lớn, họ sẽ đồng hành và đưa ra các giải pháp điều trị hiệu quả, phù hợp nhất với tình trạng của bạn.