Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là một tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, nó có thể xảy ra sau khi một người trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau thương hoặc sự kiện đe dọa tính mạng của họ. Những sự kiện này có thể bao gồm tai nạn thiên nhiên hoặc tai nạn giao thông, chiến tranh, bạo lực gia đình,... do con người tạo ra. Hãy cùng Askany tìm hiểu các triệu chứng điển hình, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị PTSD trong bài viết dưới đây.
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là gì?
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder hay PTSD) là một dạng rối loạn tâm lý phức tạp xảy ra khi một người trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện kinh hoàng trong quá khứ. Những trải nghiệm này có thể là một tai nạn nghiêm trọng, một cuộc tấn công, một thảm họa tự nhiên, hoặc thậm chí là những lạm dụng kéo dài trong quá khứ.
Hầu hết những người đã trải qua sang chấn sẽ có các phản ứng hậu chấn thương. Tuy nhiên, với một số người, những phản ứng này hầu như không thuyên giảm trong vài tuần, mà vẫn tiếp tục và làm gián đoạn cuộc sống của họ. Đây là khi những phản ứng này được gọi tên bằng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Ngoài việc tái trải nghiệm liên tục ký ức đau buồn qua các ác mộng (kéo dài hơn 1 tháng), người bệnh còn có thể tránh né các tình huống liên quan đến sự kiện sang chấn, bị rối loạn cảm xúc, và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Nếu bạn có nhu cầu tư vấn tâm lý, hãy tham khảo dịch vụ tư vấn tâm lý uy tín hiện nay nhé.
Một số triệu chứng điển hình của PTSD
Các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) thường bắt đầu 3 tháng sau khi xảy ra sự kiện, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện sau nhiều năm. Các triệu chứng thường rất đa dạng và có thể thay đổi theo từng cá nhân. Một số người thường hồi phục sau 6 tháng nhưng cũng có người bị ảnh hưởng trong suốt khoảng thời gian dài
Dưới đây là các triệu chứng thường gặp của PTSD, được phân thành bốn loại chính, bao gồm:
- Cơn hồi tưởng: Những người bị PTSD liên tục nhớ lại sự kiện đau buồn, như thể nó đang xảy ra, họ còn xuất hiện ảo giác và có những cơn ác mộng kinh hoàng. Khi có những đồ vật hoặc hoàn cảnh gợi nhớ về sang chấn, chẳng hạn như ngày kỷ niệm, họ cũng có thể cảm thấy đau khổ tột cùng.
- Né tránh: Bệnh nhân thường tránh những người, nơi, hoặc tình huống có thể gợi nhớ về sự kiện đau buồn. Việc này có thể dẫn đến cảm giác tách rời khỏi tập thể và xa cách với bạn bè và gia đình, cũng như mất hứng thú với các hoạt động mà trước đây từng yêu thích.
- Nhạy cảm hơn: Bệnh nhân dễ dàng xuất hiện các cảm xúc quá mức; dễ xảy ra vấn đề với những người xung quanh, dễ thể hiện tình cảm; khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc; tội lỗi, xấu hổ, bồn chồn, tức giận; khó tập trung vào công việc hoặc học tập; và dễ bị giật mình bởi những tiếng động bất ngờ. Người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng thực thể, chẳng hạn như tăng huyết áp và nhịp tim, thở gấp, căng cơ, buồn nôn và bệnh về tiêu hóa
- Nhận thức và tâm trạng tiêu cực: Họ có thể thường xuyên đổ lỗi cho người khác, xa lánh và dễ bị kích động. Trẻ em cũng có thể bị PTSD. Các triệu chứng ở trẻ có thể bao gồm: chậm phát triển một số kỹ năng như tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân, trở nên hung hăng hoặc phá hoại đồ đạc, kỹ năng vận động và ngôn ngữ kém.
>>> Tham khảo: Cập nhật chi phí khám tâm lý mới nhất
Ai có nguy cơ mắc PTSD cao?
Trực tiếp trải qua sự kiện đau buồn
Những người trực tiếp gặp phải các tình huống sau có nguy cơ mắc PTSD:
- Tai nạn nghiêm trọng.
- Suýt chết đuối.
- Bị bạo hành thể chất hoặc lạm dụng kéo dài.
- Cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục.
- Bị bỏ rơi từ nhỏ.
- Bị tra tấn, bắt cóc, đe dọa.
- Trải qua thiên tai: dịch bệnh, hỏa hoạn, lũ lụt, sóng thần, động đất, lốc xoáy.
- Mất người thân đột ngột.
Chứng kiến sự kiện đau buồn của người khác
Người chứng kiến các sự kiện thương tâm như:
- Tai nạn giao thông.
- Chiến tranh.
- Thiên tai: hỏa hoạn, dịch bệnh, động đất, lũ lụt.
Tiền sử gia đình
Nếu gia đình có tiền sử mắc trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc PTSD, nguy cơ mắc PTSD sẽ cao hơn khi trải qua sự kiện đau thương.
Tiếp xúc thường xuyên với sự kiện đau thương
Một số nghề nghiệp có nguy cơ cao mắc PTSD do tiếp xúc thường xuyên với mất mát và chia ly, như:
- Bác sĩ.
- Bộ đội, quân nhân từng tham gia chiến tranh.
- Lính cứu hỏa.
Rối loạn stress sau sang chấn được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán PTSD, bác sĩ sẽ tiến hành một quá trình đánh giá toàn diện, bao gồm cả kiểm tra thể chất và đánh giá tâm lý.
Kiểm tra thể chất
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng tổng quát, đo huyết áp, nhịp tim và có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân cơ thể khác gây ra các triệu chứng tương tự.
Đánh giá tâm lý
Đây là phần quan trọng nhất trong quá trình chẩn đoán. Bác sĩ sẽ tiến hành phỏng vấn để tìm hiểu về lịch sử của bạn, đặc biệt là các sự kiện sang chấn mà bạn đã trải qua. Bạn sẽ được hỏi về các triệu chứng đang gặp phải, chẳng hạn như ác mộng, hồi tưởng, cảm giác sợ hãi, tránh né, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, bực tức và thay đổi về cảm xúc. Bác sĩ có thể sử dụng các thang đo đánh giá PTSD để định lượng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Phương pháp điều trị PTSD hiệu quả cao
Các phương pháp điều trị rối loạn stress sau sang chấn là liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc kết hợp cả hai.
Thuốc
Các loại thuốc chống trầm cảm như SSRIs (citalopram, fluoxetine, sertraline) và thuốc ba vòng (amitriptyline) thường được sử dụng để giảm lo âu và ổn định cảm xúc. Một số loại thuốc khác như divalproex và lamotrigine giúp kiểm soát cảm xúc. Thuốc chống loạn thần như aripiprazole và quetiapine cũng có thể được bác sĩ tâm thần chỉ định. Đôi khi, thuốc huyết áp như prazosin được sử dụng để giảm ác mộng, và propranolol có thể ngăn ngừa ký ức đau thương.
Tuy nhiên, thuốc an thần như lorazepam và clonazepam không được khuyến cáo vì nguy cơ lệ thuộc thuốc.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân học cách đối phó với các triệu chứng và vượt qua nỗi sợ hãi. Phương pháp thường dùng gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ tiêu cực.
- Liệu pháp tiếp xúc kéo dài (PE): Giúp bệnh nhân đối mặt với sự kiện gây lo âu trong môi trường an toàn, từ đó dần kiểm soát nỗi sợ.
- Liệu pháp tâm động học: Giúp bệnh nhân hiểu rõ các xung đột cảm xúc do sự kiện gây ra.
- Liệu pháp gia đình: Hỗ trợ gia đình cùng vượt qua ảnh hưởng từ PTSD.
- Liệu pháp nhóm: Tạo cơ hội chia sẻ với những người cùng trải qua sang chấn.
- Giải mẫn cảm nhãn cầu (EMDR): Giảm bớt đau khổ liên quan đến ký ức đau thương.
Các phương pháp này đã được chứng minh là hiệu quả trong việc điều trị PTSD, giúp bệnh nhân sống tốt hơn với cuộc sống hàng ngày.
Các câu hỏi thường gặp (FAQ) về rối loạn stress sau sang chấn
Khi nào cần gặp bác sĩ
Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý nếu bạn có những suy nghĩ và cảm xúc khó chịu liên quan đến một sự kiện sang chấn kéo dài hơn một tháng, đặc biệt nếu chúng trở nên nghiêm trọng.
Tôi nên làm gì nếu bạn bè hoặc người thân mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn?
Nếu bạn nghi ngờ ai đó mắc PTSD, điều quan trọng nhất là giúp họ được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Một số người cần hỗ trợ để đặt lịch hẹn với chuyên gia tâm lý, một số khác có thể thấy thoải mái hơn khi có ai đó đi cùng họ đến các buổi trị liệu.
Nếu bạn có người thân hoặc bạn bè đã được chẩn đoán mắc PTSD, hãy khuyến khích họ tuân thủ kế hoạch điều trị. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 6-8 tuần, bạn có thể động viên họ trao đổi thêm với bác sĩ. Bạn cũng có thể:
- Hỗ trợ tinh thần, thấu hiểu, kiên nhẫn và khuyến khích bệnh nhân.
- Tìm hiểu về PTSD để hiểu rõ hơn về những gì người thân đang trải qua.
- Lắng nghe cẩn thận và chú ý đến cảm xúc cũng như các tình huống có thể kích hoạt triệu chứng PTSD của người đó.
- Chia sẻ các hoạt động tích cực như đi dạo, tham gia các chuyến đi chơi, hoặc các hoạt động khác để giúp phân tán tâm trí.
Sự hỗ trợ của bạn có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong quá trình phục hồi của họ.
PTSD có thể được ngăn chặn không?
Không có cách nào hoàn toàn ngăn chặn PTSD. PTSD là một phản ứng phức tạp đối với những trải nghiệm đau thương và chấn động, và không phải ai trải qua những sự kiện như vậy cũng sẽ phát triển PTSD. Nhận được điều trị càng sớm càng tốt có thể giúp ngăn ngừa triệu chứng PTSD trở nên nghiêm trọng hơn.
Triển vọng cho người mắc PTSD như thế nào?
Quá trình hồi phục từ PTSD diễn ra dần dần và liên tục. Các triệu chứng PTSD hiếm khi biến mất hoàn toàn, nhưng việc điều trị có thể giúp người bệnh học cách đối phó tốt hơn, đặc biệt với những cơn hồi tưởng. Điều trị giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, đồng thời cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc liên quan đến sang chấn.
Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục để tìm hiểu các yếu tố gây ra PTSD và phát triển các phương pháp điều trị mới.
Chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là một tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh, từ công việc, mối quan hệ, và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, với sự nhận biết đúng đắn và hỗ trợ kịp thời từ những người xung quanh, cùng với điều trị kịp thời và hiệu quả, nhiều người đã có thể kiểm soát các triệu chứng và phục hồi trở lại cuộc sống bình thường. Nếu bạn hoặc người thân đang phải đối mặt với những cảm giác khó chịu sau một sự kiện đau thương, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia, bác sĩ tâm lý trên ứng dụng Askany ngay hôm nay.