Rối loạn nhân cách phân liệt (STPD) là một dạng rối loạn tâm thần khiến người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc tạo dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội. Những người mắc phải căn bệnh này thường cô lập bản thân, hạn chế giao tiếp và biểu lộ rất ít cảm xúc. Họ như những hòn đảo cô độc giữa đại dương người, luôn tìm cách tách biệt mình khỏi thế giới xung quanh. Vậy, bạn có biết điều gì khiến họ trở nên như vậy? Và làm thế nào để hiểu rõ hơn về căn bệnh STPD này? Chuyên gia tâm lý tại Askany sẽ trả lời cho bạn trong bài viết dưới đây.
Rối loạn nhân cách phân liệt là bị gì?
Rối loạn nhân cách phân liệt (Schizotypal personality disorder) còn gọi là rối loạn phân lập, là một loại rối loạn nhân cách nhóm A. Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), đây là tình trạng đặc trưng bởi rối loạn suy nghĩ, hoang tưởng, lo âu xã hội, cảm giác không thực, tâm thần tạm thời và các niềm tin không bình thường.
Người mắc rối loạn này thường gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội, do họ tin rằng người khác có những ý nghĩ và quan điểm tiêu cực về họ. Họ có thể thể hiện qua các hành vi kỳ lạ và phong cách ăn mặc không theo chuẩn mực xã hội.
Trong các cuộc trò chuyện, họ có thể phản ứng không bình thường, không trả lời người khác, hoặc tự nói chuyện một mình. Người bệnh thường có niềm tin vào năng lực siêu nhiên hoặc mê tín dị đoan.
Những người này thường không chấp nhận việc suy nghĩ và hành vi của họ là một “rối loạn”. Họ thường tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi cảm thấy bản thân rơi vào trầm cảm hoặc lo âu. Rối loạn nhân cách phân liệt ảnh hưởng khoảng 3% dân số và thường gặp hơn ở nam giới
Tìm hiểu thêm: Rối loạn nhân cách hoang tưởng: đối tượng nguy cơ và cách điều trị
Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách phân liệt
Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách phân liệt vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ quan trọng. Yếu tố di truyền kết hợp với yếu tố môi trường đóng vai trò quyết định trong quá trình hình thành và phát triển của rối loạn này.
Yếu tố di truyền được xem là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn nhân cách phân liệt. Các nghiên cứu cho thấy, người có tiền sử gia đình mắc các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn nhân cách khác có nguy cơ mắc STPD cao hơn người bình thường. Điều này cho thấy có thể tồn tại một liên kết di truyền nhất định.
Môi trường sống cũng là nguyên nhân quan trọng Trải nghiệm thời thơ ấu như bị bỏ bê, lạm dụng, hoặc môi trường gia đình bất ổn có thể làm tăng nguy cơ phát triển STPD.
Các nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng sự bất thường trong cấu trúc và chức năng não cũng có thể là nguyên nhân của rối loạn nhân cách phân liệt. Tuy nhiên, cơ chế sinh học chính xác hiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách phân lập là gì?
Người mắc rối loạn nhân cách phân liệt thường trải qua cảm giác khó chịu và căng thẳng trong các tình huống xã hội. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành và duy trì các mối quan hệ gần gũi, một phần do cách hiểu sai lệch về các tương tác xã hội với những người xung quanh, một phần là do hành vi xã hội kỳ lạ của chính mình.
Nếu bạn mắc rối loạn nhân cách phân liệt, bạn có thể:
- Trải qua lo âu xã hội mãnh liệt và có các mối quan hệ xã hội kém.
- Vô cảm, không có cảm xúc.
- Không có bạn bè thân thiết hoặc người tâm giao, ngoại trừ người thân trong gia đình.
- Có những hành vi hoặc thói quen kỳ lạ.
- Có suy nghĩ và cách nói chuyện không bình thường, chẳng hạn như sử dụng các cụm từ quá trừu tượng hoặc dùng từ ngữ theo cách không thông thường.
- Có những trải nghiệm cảm giác lạ thường và niềm tin huyền bí, như nghĩ rằng mình có năng lực siêu nhiên đặc biệt.
- Tin vào thần giao cách cảm, mê tín dị đoan một cách thái quá.
- Giải thích sai các tình huống hoặc sự kiện thông thường là có ý nghĩa đặc biệt đối với bản thân (idea of reference - ý tưởng tham chiếu).
- Có tâm lý nghi ngờ và hoang tưởng về ý định của người khác.
- Gặp khó khăn trong việc phản ứng thích hợp với các tín hiệu xã hội, chẳng hạn như duy trì giao tiếp bằng mắt.
- Thiếu động lực và không đạt được thành tích cao trong học tập và công việc.
Người mắc rối loạn nhân cách phân lập thường không nhận thức được cách suy nghĩ và hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
Rối loạn nhân cách phân liệt và tâm thần phân liệt khác nhau thế nào?
Đặc điểm | Rối loạn nhân cách phân liệt | Tâm thần phân liệt |
Khái niệm | Rối loạn tâm lý đặc trưng bởi các suy nghĩ và hành vi lập dị, khác thường. | Bệnh tâm thần nghiêm trọng, người bệnh cảm giác bị tách khỏi thực tại. |
Triệu chứng | Cô lập xã hội, nghi ngờ người khác, suy nghĩ kỳ lạ, hành vi lập dị. | Ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tư duy, mất liên kết với thực tế. |
Mức độ nghiêm trọng | Có thể trải qua các giai đoạn loạn thần ngắn, không thường xuyên và không nghiêm trọng. | Có các triệu chứng loạn thần nghiêm trọng và kéo dài, như ảo giác và ảo tưởng. |
Khả năng nhận thức thực tế | Có thể nhận biết sự khác biệt giữa suy nghĩ và thực tế. | Thường tin vào ảo giác và hoàn toàn tách khỏi thực tại, tin chắc vào những suy nghĩ hoang tưởng của chính mình |
Ảnh hưởng đến cuộc sống | Khó khăn trong việc giao tiếp và các mối quan hệ xã hội. | Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống. |
Hậu quả của bệnh rối loạn nhân cách phân liệt
Rối loạn nhân cách phân liệt có thể gây ra các vấn đề như:
- Trầm cảm, lo âu
- Lạm dụng chất kích thích như rượu, ma túy, có thể có hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự tử.
- Chuyển biến nghiêm trọng thành tâm thần phân liệt.
- Xuất hiện thêm các rối loạn nhân cách khác.
- Làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây khó khăn trong học tập, công việc và các hoạt động hàng ngày.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như ối loạn ăn uống, mất ngủ, và các bệnh lý mãn tính khác.
Cách chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách phân liệt
Người mắc rối loạn nhân cách thường tìm gặp bác sĩ vì các triệu chứng khác như lo âu, trầm cảm, hoặc cảm giác thất vọng chứ không phải vì bản thân họ nhận ra mình bị rối loạn nhân cách phân liệt. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe tổng quát để loại trừ các bệnh lý khác. Việc chẩn đoán dựa trên các yếu tố sau:
- Chuyên gia sẽ hỏi chi tiết về các triệu chứng mà người bệnh đang trải qua.
- Xem xét lịch sử cá nhân và các bệnh lý trước đây của bệnh nhân.
Điều trị rối loạn nhân cách dạng phân liệt bằng cách nào
Điều trị rối loạn nhân cách phân liệt là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Phương pháp điều trị thường kết hợp giữa tâm lý trị liệu và dùng thuốc. Mục tiêu của điều trị là giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và học cách đối phó với các tình huống khó khăn.
Việc điều trị rối loạn nhân cách phân liệt thường kết hợp giữa thuốc và liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, tham gia các hoạt động xã hội phù hợp cũng có lợi cho người bệnh.
Trị liệu tâm lý
Liệu pháp tâm lý giúp người bệnh cải thiện niềm tin vào người khác và phát triển kỹ năng xã hội. Một số liệu pháp tâm lý phổ biến để điều trị rối loạn nhân cách phân liệt bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức - hành vi: Giúp người bệnh xác định và xử lý suy nghĩ tiêu cực, học kỹ năng xã hội và điều chỉnh hành vi lập dị.
- Liệu pháp hỗ trợ: Khuyến khích bệnh nhân rèn luyện kỹ năng hòa nhập xã hội.
- Liệu pháp gia đình: Tham gia các hoạt động cùng gia đình cải thiện giao tiếp, sự tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau.
Sử dụng thuốc
Hiện tại, FDA chưa phê duyệt loại thuốc đặc trị rối loạn nhân cách phân liệt. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê thuốc chống trầm cảm để giảm các triệu chứng như lo âu hoặc trầm cảm. Một số thuốc cũng giúp cải thiện suy nghĩ linh hoạt hơn.
Thay đổi lối sống
Mặc dù rối loạn nhân cách có thể kéo dài suốt đời, nhưng những thay đổi tích cực trong cuộc sống có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng. Những yếu tố giúp giảm bớt các triệu chứng bao gồm:
- Xây dựng mối quan hệ tích cực với gia đình và bạn bè.
- Thói quen lành mạnh: Tập thể dục, ngủ đúng giờ và lập kế hoạch sống khoa học.
- Đạt thành tựu trong học tập, công việc hoặc hoạt động ngoại khóa.
Rối loạn nhân cách phân liệt ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Điều trị kịp thời và phù hợp sẽ giúp họ cải thiện tình trạng và chất lượng cuộc sống. Hy vọng thông tin này sẽ hỗ trợ bạn trong việc tìm phương pháp điều trị tốt nhất.
Các câu hỏi thường gặp về rối loạn nhân cách loại phân liệt
Ai có nguy cơ mắc rối loạn nhân cách phân liệt cao?
Hầu hết các rối loạn nhân cách, bao gồm cả rối loạn nhân cách phân liệt (STPD), thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên khi tính cách phát triển và trưởng thành hơn. STPD ảnh hưởng đến phái niêm nhiều hơn một chút so với phái nữ.
Rối loạn nhân cách phân liệt có thể phòng ngừa được không?
Rối loạn nhân cách phân liệt thường không thể phòng ngừa. Trị liệu tâm lý có thể giúp bạn học cách thay đổi những hành vi và suy nghĩ tiêu cực nếu bạn có xu hướng mắc phải tình trạng này.
Tôi có cần dùng thuốc để điều trị không?
Nếu bạn gặp các triệu chứng như suy nghĩ bất thường, cách nói chuyện kỳ lạ, trầm cảm hoặc lo âu, bác sĩ có thể kê thuốc chống loạn thần để giảm bớt các triệu chứng này.
Tôi có thể khỏi bệnh STPD hoàn toàn không?
Rối loạn nhân cách phân liệt là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể giảm triệu chứng và kiểm soát hành vi bằng cách nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần.
Bệnh STPD có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày không?
Người mắc rối loạn nhân cách phân liệt thường khó chịu khi tiếp xúc với người khác, dẫn đến việc dễ bị cô lập xã hội.
Bệnh STPD có di truyền cho con tôi không?
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng rối loạn nhân cách phân liệt có yếu tố di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em có cha mẹ mắc bệnh đều sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, hãy quan sát con mình và nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa con đi khám bác sĩ sớm.
Rối loạn nhân cách phân liệt là một bệnh lý phức tạp và có thể gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân. Mặc dù không thể điều trị dứt điểm, việc can thiệp y tế sớm bằng thuốc và trị liệu tâm lý có thể giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là người bệnh và gia đình nên luôn quan tâm đến sức khỏe tinh thần, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý trên Askany khi cần thiết. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.