Nguyên nhân nghiện game là điều đầu tiên mà chúng ta cần tìm hiểu trước khi đưa ra bất cứ phương án điều trị hoặc ngăn chặn nào. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc nghiện game online, chúng có thể bắt nguồn từ vấn đề tâm lý, xã hội hoặc cá nhân. Nhìn chung, đây là một tình trạng cực kỳ phức tạp ở giới trẻ, cần được giải quyết một cách toàn diện, kết hợp giữa sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, xã hội hay thậm chí là các bác sĩ tâm thần. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về chứng rối loạn tâm lý này, hãy đọc bài viết sau đây của Askany.
Tổng quan về nghiện game
Nghiện game là một rối loạn hành vi đặc trưng bởi ham muốn mãnh liệt và không kiểm soát được việc chơi game, đến nỗi ưu tiên nó hơn các hoạt động khác trong cuộc sống. Cơ chế nghiện game liên quan đến việc não bộ giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác sảng khoái.
Khi chơi game liên tục, người nghiện sẽ trải qua một vòng lặp cảm giác “thỏa mãn - thèm muốn - chơi game” ngày càng mạnh mẽ. Cảm giác thỏa mãn tức thời khi đạt được mục tiêu trong game, kết hợp với sự ham muốn với phần thưởng tăng cao, khiến người chơi rơi vào một vòng lặp nghiện khó thoát ra.
Nguyên nhân nghiện game
Lý do nghiện game thường xuất phát từ nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp cụ thể như sau:
Nguyên nhân nghiện game trực tiếp
- Cảm giác thỏa mãn tức thời sau mỗi chiến thắng khi chơi game online được kích thích bởi sự sản xuất của chất gây hưng phấn trong não bộ.
- Game mở ra một thế giới ảo, nơi người chơi có thể trốn tránh những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày.
- Trong game người chơi có thể đạt được những thành tích, cấp bậc cao, từ đó nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ cộng đồng game thủ.
- Khi hoàn thành một nhiệm vụ, vượt qua một thử thách trong game, người chơi sẽ cảm thấy rất hài lòng và muốn lặp lại cảm giác đó.
- Hệ thống phần thưởng trong game được thiết kế để tạo ra sự kích thích và khuyến khích người chơi tiếp tục tham gia.
- Nhu cầu giải phóng bản thân khỏi sự kiểm soát, và được tự do hành động trong không gian ảo, cũng là một trong những nguyên nhân nghiện game.
- Các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu có thể làm tăng nguy cơ nghiện game.
- Xung đột tâm lý tuổi dậy thì cũng là nguyên nhân dẫn đến nghiện game như: thích thể hiện bản thân nhưng không được gia đình ủng hộ, cảm giác cô đơn, bất mãn trong cuộc sống,...
Nguyên nhân nghiện game gián tiếp
- Khi thiếu sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình, trẻ em có thể tìm đến game để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn
- Nếu bạn bè xung quanh thường xuyên chơi game, người chơi dễ bị ảnh hưởng và cùng tham gia.
- Thiếu các hoạt động giải trí lành mạnh, không gian vui chơi hạn chế cũng là nguyên nhân khiến trẻ em dễ bị cuốn vào thế giới ảo của game.
- Do yếu tố tính cách nên những người hướng nội, nhút nhát, hay cô đơn thường dễ bị nghiện game hơn.
Đối tượng có nguy cơ cao bị nghiện game
Dưới đây là những đối tượng nguy cơ sau sẽ dễ mắc phải chứng nghiện game hơn người khác:
- Trẻ em mắc các chứng rối loạn tâm lý như: trầm cảm, lo lắng, tự ti.
- Trẻ ít tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
- Những trẻ em thiếu sự quan tâm từ gia đình, nhà trường, xã hội.
- Những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, gặp sang chấn về mặt tâm lý hay bị tổn thương về mặt tình cảm.
Các triệu chứng nghiện game
Các triệu chứng nghiện game thường gặp được chia thành 2 nhóm, triệu chứng giống như nghiện ma túy và triệu chứng trầm cảm.
Triệu chứng nghiện giống ma túy
Nếu có từ 2 triệu chứng trở lên dưới đây, bạn có thể được xem là mắc bệnh nghiện game:
- Thèm chơi game: quan tâm quá mức đến game online và luôn nói chuyện về game, đặc biệt, không còn hứng thú với những việc khác.
- Chơi game liên tục nhiều giờ không nghỉ và không có thời gian nghỉ.
- Không kiểm soát được việc chơi game của bản thân. Dù muốn chơi game ít hơn, nhưng những người nghiện game vẫn không thể hành động theo suy nghĩ của họ.
- Không quan tâm đến những vấn đề khác: bỏ bê những mối quan hệ xung quanh với gia đình và bạn bè. Việc học tập, làm việc bị trì trệ. Thậm chí quên luôn cả việc ăn uống và vệ sinh cá nhân.
- Che dấu cảm xúc: khi có một cảm xúc khó chịu hoặc tình huống không hay xảy ra, người nghiện game thường che giấu bằng cách chơi game. Họ đắm chìm trong thế giới ảo để không phải đối diện với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
- Nói dối về thời gian chơi game: trẻ em nghiện game thường có xu hướng nói dối gia đình về thời gian chơi game của chúng.
- Tốn quá nhiều tiền cho việc chơi game: người nghiện game bỏ nhiều tiền để mua vật phẩm, nhân vật, … và mua các thiết bị chơi game.
- Cảm xúc bất ổn: khi chơi game, người nghiện game có thể thay đổi trạng thái từ kích thích, hưng phấn sang thất vọng, cảm xúc này vẫn có thể tồn tại sau khi chơi.
Triệu chứng trầm cảm
- Khí sắc u buồn, nét mặt đơn điệu, ngơ ngác, buồn bã.
- Mất hứng thú với những sở thích trước đây: không còn hào hứng trong các khía cạnh khác như âm nhạc, thể thao, .. Trẻ em thậm chí không còn quan tâm đến việc học tập, trốn học để chơi game.
- Thường xuyên mất ngủ, người nghiện game ngủ rất ít vì mải mê chơi game đến khuya hoặc chơi thâu đêm suốt sáng.
- Chán ăn và ăn ít: ăn để qua bữa, không có cảm giác thèm ăn nên ăn rất ít. Do đó, những người nghiện game thường sụt cân rất nhanh.
- Hoạt động chậm chạp, lờ đờ.
- Trẻ bị mệt mỏi, kiệt quệ vì chơi game nhiều giờ đồng hồ.
- Luôn cảm giác bản thân vô dụng, tội lỗi. Họ nhận thức được việc chơi game nhiều như vậy là không đúng nhưng không thể ngừng lại mà vẫn tiếp tục chơi để trốn chạy cảm giác tội lỗi đó.
- Gặp khó khăn trong việc tập trung, suy nghĩ và đưa ra quyết định
- Một số trường hợp còn có ý định tự tử
Hậu quả của việc nghiện game
Nghiện game có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân và gia đình. Trước tiên, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người nghiện, gây ra một số căn bệnh như: rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về mắt như cận thị, khô mắt, ít vận động dẫn đến béo phì, tim mạch, xương khớp, suy giảm hệ miễn dịch và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Không chỉ vậy, nghiện game còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tâm thần như: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, bạo lực, chống đối xã hội và còn làm suy giảm khả năng nhận thức ở trẻ, khiến các em mất tập trung, ghi nhớ và tư duy logic bị kém đi.
Ngoài ra, nghiện game còn đi kèm với việc mua các vật phẩm ảo trong game, gây tốn kém về tài chính cho gia đình. Người đi làm nghiện game có thể bị sa thải do thường xuyên nghỉ làm, làm việc không hiệu quả.
Cách phòng ngừa và khắc phục tình trạng nghiện game
Cách phòng ngừa bệnh nghiện game
Để ngăn ngừa bệnh nghiện game ở trẻ con, gia đình cần:
- Thường xuyên trò chuyện, tâm sự cùng bé.
- Cho con tham gia những hoạt động vui chơi lành mạnh ngoài trời hoặc những hoạt động xã hội bổ ích.
- Theo dõi thời khóa biểu của con để kịp thời phát hiện những dấu hiệu mới chớm của bệnh nghiện game.
- Không nên để trẻ tiếp xúc với môi trường có nhiều người nghiện chơi game.
Cách khắc phục tình trạng nghiện game
Giúp đỡ những người nghiện game là một quá trình dài, cần sự chăm sóc toàn diện và hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng xã hội. Dưới đây là một số biện pháp cải thiện tình trạng nghiện game ở thanh thiếu niên hiện nay:
- Ngưng thói quen chơi game hàng ngày.
- Sử dụng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm (dưới sự chỉ định của bác sĩ) để hỗ trợ ngừng cơn nghiện game.
- Điều trị phòng ngừa tái phát nghiện game: sử dụng bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý xã hội.
Các liệu pháp tâm lý xã hội
- Ngừng sử dụng internet: Người nghiện nên từ chối hoàn toàn việc chơi game, tốt nhất là tránh xa khỏi môi trường internet. Bởi vì đây là một môi trường rất cám dỗ, họ liên tục đưa ra những trò chơi mới hấp dẫn khiến người chơi không thể nào cản được. Do đó để đạt được mục tiêu cai nghiện game, cần hạn chế sử dụng internet gần như tuyệt đối.
- Hoạt động thể chất và văn hóa nhiều hơn: Người nghiện game cần được tham gia vào các hoạt động lành mạnh như: đi bộ, đạp xe hay chơi các môn thể thao. Thỉnh thoảng đi tham quan, du lịch hoặc tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện cũng là cách hiệu quả để tăng sự tương tác với mọi người xung quanh. Những hoạt động như vậy giúp người nghiện quên đi cảm giác thèm muốn chơi game.
Các liệu pháp tâm lý
- Người nghiện game có thể tham gia các liệu pháp tâm lý như: liệu pháp nhận thức-hành vi hoặc trao đổi thông tin về cách vượt qua sự nghiện game trên các hội nhóm cũng là điều cần thiết.
- Kiên trì điều trị trong thời gian ít nhất là 6 tháng để đảm bảo sự ổn định và hiệu quả của quá trình điều trị.
Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý của Askany cũng nhấn mạnh, vai trò của gia đình và xã hội cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị chứng nghiện game. Sự quan tâm, động viên của gia đình là yếu tố then chốt để trẻ có thể vượt qua giai đoạn này. Nếu bố mẹ nhận thấy các dấu hiệu nghiện game ở con ngày càng trở nên nghiêm trọng và không thể kiểm soát được thì nên đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa về tâm thần để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân nghiện game, dấu hiệu cũng như cách khắc phục hiệu quả. Tóm lại, nghiện game là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp, bao gồm cả yếu tố tâm lý, xã hội và đặc điểm của chính trò chơi. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp của nhiều bên, từ gia đình, nhà trường, xã hội đến bản thân người chơi. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách phòng ngừa và khắc phục tình trạng nghiện game cụ thể cho con mình, hãy liên hệ để được chuyên gia tâm lý trên Askany tư vấn 1:1 ngay hôm nay.