Tác hại của nghiện game - học hành sa sút, tương lai mờ mịt
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Tác hại của nghiện game - học hành sa sút, tương lai mờ mịt

    blogTác hại của nghiện game đối với giới trẻ ngày nay như thế nào, sức khỏe thể chất, tâm lý và tinh thần bị ảnh hưởng ra sao, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây ngay.

    Tác hại của nghiện game nguy hiểm hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, việc giải trí bằng game online ngày càng trở nên phổ biến đặc biệt là đối với giới trẻ. Tuy nhiên, đằng sau những giờ phút thư giãn là những hiểm họa khôn lường khi người chơi sa vào vòng xoáy nghiện game. Nghiện game không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và xã hội. Vậy tác hại của nghiện game là gì, làm sao để nhận biết và ngăn chặn tình trạng nghiện game? Bài viết sau đây của Askany sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này và đưa ra giải pháp hữu hiệu.

    Tác hại của nghiện game với sức khỏe

    Nghiện game có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
    Nghiện game có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

    Khi đồng hồ sinh học bị đảo lộn, cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, các game thủ có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý, cụ thể như sau:

    Gây rối loạn giấc ngủ, tổn thương não

    Thói quen chơi game liên tục dưới màn hình với ánh sáng xanh trong thời gian dài sẽ làm chất lượng giấc ngủ bị suy giảm, dẫn đến tình trạng ngủ không sâu, dễ bị gián đoạn, khó ngủ,... Khi chơi game quá độ và không có thời gian ngủ, hoặc chỉ ngủ vài tiếng trong nhiều ngày sẽ khiến não bộ không được nghỉ ngơi đầy đủ, khiến chúng không thực hiện được các chức năng điều khiển cơ thể. Lâu ngày sẽ gây ra tình trạng tổn hại đến tế bào thần kinh và suy giảm trí nhớ.

    Không phân biệt được giữa thực tế và ảo

    Người nghiện game thường chỉ tập trung vào máy tính, hoàn toàn không chú ý đến thế giới xung quanh. Họ bị cuốn vào hình ảnh trò chơi, cách chiến đấu để thăng hạng trong game. Những trò chơi nhập vai, chiến đấu như vậy thường tạo ra một thế giới ảo hấp dẫn làm cho người chơi quen dần với cuộc sống ảo, thậm chí trong sinh hoạt hằng ngày họ cũng nghĩ đến những đặc điểm trong game. Lâu dần sẽ dẫn đến việc mất khả năng phân biệt giữa đâu là thực tế và đâu là ảo tưởng.

    Không còn hứng thú với các hoạt động khác

    Một trong những hậu quả khác của việc nghiện game là thiếu động lực tham gia các hoạt động khác. Trò chơi điện tử mang lại cảm giác thú vị hơn các hoạt động ngoài đời nhờ vào việc kích thích não bộ sản xuất dopamine – chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác vui vẻ. Khi não bộ quen với lượng dopamine ổn định sinh ra từ việc chơi game, nó sẽ khó chịu đựng được những hoạt động không mang lại kích thích tương tự. Điều này khiến người chơi ngày càng lún sâu vào trò chơi mà không thể từ bỏ.

    Dễ cáu gắt, có xu hướng bạo lực

    Trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay thường yêu thích các trò chơi mang tính bạo lực, chiến đấu cao. Điều này có thể làm tăng tính cách gây hấn và xu hướng bạo lực. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ gây đổ, đánh nhau thậm chí là phạm pháp đã tăng cao, do những người nghiện game không kiểm soát được cảm xúc khi không đạt được thứ mình muốn. Song song với việc thiếu ngủ và mệt mỏi, các game thủ dễ trở nên cáu gắt và phản ứng một cách bạo lực hơn.

    Khả năng giao tiếp kém

    Mặc dù các trò chơi online thường tích hợp tính năng giao tiếp qua micro và giao diện chatbox nhưng thực tế rất ít được sử dụng. Đa phần các mối quan hệ trong game đều là ảo và khi chìm đắm trong thế giới ảo, họ dần dần mất hứng thú với việc giao tiếp với gia đình, bạn bè, và các mối quan hệ ngoài đời thật. Việc này dẫn đến tính cách lầm lì, sống khép kín và thậm chí một số người còn xuất hiện chứng sợ giao tiếp với người lạ.

    Trí nhớ và khả năng tập trung giảm

    Nghiện game làm cho trẻ suy nghĩ chậm chạp, tư duy kém phát triển
    Nghiện game làm cho trẻ suy nghĩ chậm chạp, tư duy kém phát triển

    Việc chơi game liên tục làm suy giảm chức năng não bộ, gây cản trở cho quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin, dẫn đến tình trạng hay quên và giảm trí nhớ ở người nghiện là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, người nghiện game thường dành toàn bộ thời gian cho trò chơi, dẫn đến không có thời gian cho học tập và công việc, làm cho hiệu quả ngày càng sa sút.

    Tác động xấu đến cột sống, thị lực và khả năng vận động

    Ngồi quá lâu để chơi game không chỉ làm mỏi lưng, mà còn dẫn đến nguy cơ cong vẹo cột sống và thoát vị đĩa đệm nhất là khi ngồi sai tư thế. Không chỉ vậy, thiếu vận động trong thời gian dài còn làm giảm khả năng tuần hoàn máu, gây tê bì chân tay và tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường. Mắt thường xuyên tiếp xúc với màn hình cũng làm giảm thị lực, gây khô mắt và cận thị. Nam giới còn có thể bị chèn ép cơ quan sinh dục, giảm chất lượng tinh trùng, tăng nguy cơ vô sinh.

    Suy nghĩ tiêu cực, bi quan

    Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, nghiện game còn gây ra hậu quả nặng nề cho sức khỏe tâm lý đặc biệt là ở trẻ em. Người nghiện game thường cảm thấy cô đơn, lạc lõng, dễ bi quan và có cảm giác mình vô dụng. Tình trạng tiêu cực này có thể tích tụ và dẫn đến mất niềm tin, động lực trong cuộc sống và thậm chí là tăng nguy cơ mắc các bệnh trầm cảm.

    Tăng tệ nạn xã hội

    Trẻ em nghiện game dễ bị ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý, một phần do chúng cố bắt chước hành vi bạo lực từ nhân vật trong trò chơi, một phần vì sự hưng phấn tăng cao khi chơi game bạo lực dẫn đến các hành vi sai trái như đánh nhau, trộm cắp, hoặc thậm chí bị dụ dỗ tham gia vào các tệ nạn xã hội như mua bán chất cấm, gây hậu quả nghiêm trọng cho cả bản thân và xã hội.

    Tác hại của nghiện game với công việc và học tập

    Nghiện game không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm sinh lý, mà còn ảnh hưởng lớn đến học tập và công việc.

    Kết quả học tập sa sút

    Khi nghiện game trẻ em rất khó kiểm soát thời gian và cảm giác thèm muốn được chơi game của mình, chúng thường xuyên ưu tiên chơi game hơn là học tập hoặc các hoạt động khác. Những đứa trẻ này đa số đều có kết quả học tập rất kém.

    Vì việc học ở trường mang lại áp lực và căng thẳng lớn, còn chơi game đem lại cảm giác thoải mái và thú vị hơn, nên trẻ em rất dễ trở nên nghiện. Như đã nói trên nghiện game gây nên tình trạng xao nhãng, giảm trí nhớ và mất tập trung. Do đó các bé thường có xu hướng chán nản và có thể cúp học, bỏ học để tiếp tục chơi game.

    Học sinh, sinh viên nghiện game thường có kết quả học tập kém, bỏ bê việc học.
    Học sinh, sinh viên nghiện game thường có kết quả học tập kém, bỏ bê việc học.

    Có nhiều em vẫn ý thức được nên tập trung học để đạt được thành tích cao nhưng vì bị ảnh hưởng bởi tình trạng nghiện dẫn đến các chức năng phân tích, sáng tạo, xử lý vấn đề,... bị kém đi nên kết quả học tập cũng không mấy khả quan. Nếu tình trạng như trên kéo dài, các bé sẽ bị thiếu kiến thức, không thể tiếp thu cái mới, không có nghề nghiệp ổn định trong tương lai và cơ hội tìm được công việc tốt cũng bị hạn chế hơn người khác rất nhiều.

    Giảm chất lượng công việc

    Còn đối với người trưởng thành bị nghiện game cũng sẽ gặp vấn đề tương tự trong công việc. Ham muốn chơi game và sự phân tâm liên tục làm giảm khả năng tập trung, dẫn đến hiệu suất công việc của họ không được đảm bảo. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến gây ảnh hưởng đến đồng nghiệp và thậm chí có nguy cơ bị đuổi việc.

    Nghề nghiệp trong tương lai bị giới hạn

    Những người nghiện game thường có sức khỏe kém, không trau dồi chuyên môn, khả năng làm việc không tốt, dẫn đến hạn chế trong tương lai sự nghiệp. Theo nghiên cứu, một đứa trẻ nghiện game có thể cần ít nhất 6 năm điều trị để phục hồi và đôi khi cần đến tận 30 tuổi để tránh tái nghiện. Nghiện game không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của một người.

    Tác hại của nghiện game tới gia đình và người thân

    Tiêu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc vào game có thể gây ra khó khăn về tài chính.
    Tiêu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc vào game có thể gây ra khó khăn về tài chính.

    Nghiện game không chỉ gây tác hại trực tiếp đến người chơi mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả gia đình và người thân của họ. Những người nghiện game thường không làm việc gì khác, không phụ giúp cho gia đình mà còn trở thành gánh nặng. Để thỏa mãn nhu cầu chơi game, người nghiện thường xin tiền từ gia đình để chi trả cho việc thuê máy, nạp game, hoặc mua các phụ kiện liên quan. Khi gia đình không đáp ứng được, họ có thể có những hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp để có tiền chơi game.

    Tác hại của nghiện game tới xã hội

    Nghiện game không chỉ gây ra các hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức và pháp luật, mà còn tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Những người nghiện game không chỉ tự làm hại bản thân mà còn gây hại đến những người xung quanh. Trong các tập thể có tỷ lệ người nghiện game cao như lớp học, công ty, hoặc cộng đồng,... thường có thành tích chung bị sa sút. Mặc dù nghiện game không bị xã hội kì thị, nhưng nó cũng không hề được khuyến khích, do đó cần tránh tình trạng này để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

    Cách khắc phục tình trạng nghiện game cho con

    Nghiện game là một vấn đề nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể khắc phục
    Nghiện game là một vấn đề nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể khắc phục

    Nếu con em bạn đang gặp vấn đề nghiện game và bạn đang tìm kiếm phương án điều trị, dưới đây là một số bước cơ bản giúp con vượt qua tình trạng này.

    Trước hết, hãy nhận thức rằng việc nghiện game là một vấn đề nghiêm trọng cần được khắc phục. Đừng ngần ngại tìm đến những người có chuyên môn như bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được sự hỗ trợ kịp thời. Một bước quan trọng khác là thiết lập giới hạn thời gian chơi game cho con rõ ràng và yêu cầu chúng tuân thủ nghiêm túc để có thể tạo được thói quen tốt sau này. Đồng thời, hãy khuyến khích con thay thế thời gian chơi game bằng những hoạt động bổ ích khác như thể dục, đọc sách, hoặc giao lưu với bạn bè.

    Đó là toàn bộ những tác hại của nghiện game đối với sức khỏe thể chất, tâm lý, gia đình và xã hội. Hãy nhớ rằng, nghiện game là một vấn đề phức tạp và cần sự kiên trì để khắc phục. Nếu con em hoặc người thân của bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm trên Askany càng sớm càng tốt, bạn nhé.