Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD): Nguyên nhân và giải pháp
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD): Nguyên nhân và giải pháp

  • blog
    Kim Nguyễnblog
  • blog

    Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) là một rối loạn tâm lý đặc trưng bởi sự ám ảnh với trật tự, quy tắc và sự hoàn hảo. Những người mắc phải căn bệnh này thường có xu hướng bận tâm quá mức về chi tiết nhỏ nhặt, quy tắc hay lịch trình, đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh mà còn gây ra căng thẳng cho những người xung quanh. Để hiểu rõ hơn về các đặc điểm chính của OCPD, nguyên nhân và phương pháp điều trị, bạn có thể theo dõi bài viết sau đây của chuyên gia tư vấn tâm lý trên Askany.

    Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) là gì?

    Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức, (Obsessive-Compulsive Personality Disorder viết tắt là OCPD), là một tình trạng sức khỏe tâm thần, khiến người bệnh bị ám ảnh quá mức với chủ nghĩa hoàn hảo, tổ chức và kiểm soát. Những hành vi và lối suy nghĩ này có thể gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ, công việc và sức khỏe của bệnh nhân.

    OCPD là những người luôn ám ảnh về sự hoàn hảo, tuyệt đối, điển hình như trong công việc
    OCPD là những người luôn ám ảnh về sự hoàn hảo, tuyệt đối, điển hình như trong công việc

    Người mắc OCPD thường có niềm tin cứng nhắc, họ không chấp nhận sự linh hoạt và không thể thỏa hiệp với người khác. Thường thì người bệnh OCPD không nhận ra hành vi và cách suy nghĩ của họ là có vấn đề.

    OCPD thuộc nhóm các rối loạn nhân cách "Cụm C," bao gồm các vấn đề liên quan đến lo âu và sợ hãi.

    Tìm hiểu thêm: Rối loạn nhân cách phân liệt (STPD): Dấu hiệu giúp bạn nhận diện sớm

    OCPD và OCD khác nhau như thế nào?

    Sự khác biệt giữa OCD và OCPD
    Sự khác biệt giữa OCD và OCPD

    Dù có tên gọi tương tự, nhưng rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là hai tình trạng khác nhau.

    OCD là một dạng rối loạn lo âu, người bệnh có những suy nghĩ không mong muốn và xâm nhập (ám ảnh), dẫn đến việc thực hiện các hành vi lặp lại (cưỡng bức). Ví dụ, người bệnh có thể bật tắt công tắc đèn một số lần nhất định hoặc liên tục rửa tay. Người mắc OCD thường tự nhận ra rằng tình trạng bệnh của mình và thừa nhận rằng họ cần sự giúp đỡ chuyên môn để điều trị.

    Trong khi đó, người mắc OCPD thường ít nhận thức, hoặc hầu như không nhận thức được hành vi của mình. OCPD có tỷ lệ mắc chung với các rối loạn nhân cách khác cao hơn, chẳng hạn như: rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ăn uống, lo âu, rối loạn khí sắc và các rối loạn sử dụng chất kích thích.

    Nguyên nhân gây ra OCPD

    Nghiên cứu cho thấy, Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền và môi trường.

    Do các chất dẫn truyền thần kinh

    Serotonin được xem là yếu tố chính liên quan đến các triệu chứng của OCPD. Các thuốc tác động trên hệ serotoninergic đã cho thấy hiệu quả cao hơn so với các thuốc khác ảnh hưởng đến hệ dẫn truyền thần kinh. Trong hội chứng OCPD, có sự rối loạn điều hòa serotonin tại các synap ở một số vùng não, đồng thời làm tăng nhạy cảm với serotonin tại các thụ cảm thể của bệnh nhân. Việc sử dụng các thuốc như clomipramine giúp tăng cường nồng độ serotonin, góp phần cải thiện các triệu chứng. Ngoài serotonin, bệnh nhân OCPD còn có sự suy giảm vasopressin và oxytocin, hai chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi và cảm xúc.

    Nguyên nhân do di truyền

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu trong gia đình, bố hoặc mẹ mắc hội chứng OCPD, thì khoảng 35% con cái sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Điều này cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hội chứng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố di truyền, các yếu tố môi trường như căng thẳng tâm lý, điều kiện sống, và sự phát triển xã hội cũng có thể góp phần làm gia tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng OCPD.

    Ngoài ra, các yếu tố như tính cách, sự kiện cuộc sống cũng có thể là nguy cơ khiến chúng ta mắc rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức.

    Triệu chứng của bệnh OCPD

    Dấu hiệu chính của rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng bức (OCPD) là sự ám ảnh kéo dài về trật tự, chủ nghĩa hoàn hảo, kiểm soát và cách làm việc theo một chuẩn mực nhất định. Những hành vi này khiến người bệnh khó hoàn thành công việc và gây ra các vấn đề trong mối quan hệ.

    Các triệu chứng của OCPD thường bắt đầu từ giai đoạn đầu tuổi trưởng thành.
    Các triệu chứng của OCPD thường bắt đầu từ giai đoạn đầu tuổi trưởng thành.

    Người mắc rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức có thể:

    • Cầu toàn thái quá: Luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo, không chấp nhận sai sót dù là nhỏ nhất. Họ có xu hướng dành quá nhiều thời gian để hoàn thành công việc, thậm chí khi đã đạt được kết quả tốt.
    • Tạo ra nhiều quy tắc và danh sách để kiểm soát mọi thứ.
    • Do tính cách cầu toàn, người bệnh có thể khó giao tiếp và hợp tác với người khác.
    • Họ cũng gặp khó khăn trong việc thư giãn và luôn cảm thấy cần phải làm việc liên tục và đạt được mục tiêu.
    • Bị ám ảnh và luôn khăng khăng về chi tiết, quy tắc, danh sách, trật tự và tổ chức.
    • Quá cống hiến cho công việc và năng suất, dẫn đến bỏ bê sở thích và ít thời gian dành cho người thân.
    • Thường xuyên nghi ngờ và thiếu quyết đoán.
    • Hết sức thận trọng để tránh những gì có thể dẫn đến thất bại.
    • Cứng nhắc và bướng bỉnh trong niềm tin và cách làm việc.
    • Không muốn thỏa hiệp.
    • Không muốn vứt bỏ những đồ vật bị hỏng hoặc vô giá trị, ngay cả khi chúng không có ý nghĩa gì đặc biệt.
    • Khó làm việc với người khác trừ khi người đó đồng ý làm đúng theo yêu cầu của họ.
    • Thường bị ám ảnh quá mức về một ý tưởng, nhiệm vụ hoặc niềm tin.
    • Nhìn mọi thứ theo cách "đen hoặc trắng" (tư duy nhị nguyên - dichotomous thinking).
    • Khó chấp nhận sự phê bình.
    • Quá tập trung vào các khiếm khuyết của người khác.

    Cách chẩn đoán OCPD

    Như đã nói trên, OCPD có thể khó chẩn đoán, vì hầu hết những người mắc rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức không nghĩ rằng hành vi hoặc cách suy nghĩ của họ có vấn đề.

    Khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ, thường là do họ đang bị lo âu hoặc trầm cảm vì những vấn đề liên quan đến rối loạn nhân cách của họ gây ra, chẳng hạn như mất việc làm hoặc mất mối quan hệ, chứ không phải vì bản thân họ nhận thấy mình bị OCPD.

    Người mắc OCPD không tự nhận ra mình mắc bệnh, chỉ tìm sự trợ giúp khi họ bị trầm cảm và lo âu
    Người mắc OCPD không tự nhận ra mình mắc bệnh, chỉ tìm sự trợ giúp khi họ bị trầm cảm và lo âu

    Khi chuyên gia sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần, nghi ngờ ai đó có thể mắc rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng bức, họ thường đặt những câu hỏi rộng và chung chung để không tạo ra môi trường thù địch hoặc phòng thủ. Các câu hỏi này nhằm làm sáng tỏ:

    • Các mối quan hệ.
    • Lịch sử công việc.
    • Khả năng kiểm tra thực tế.
    • Kiểm soát xung động.

    Vì người bị nghi ngờ mắc OCPD có thể thiếu nhận thức về hành vi của mình, do đó các chuyên gia thường phải làm việc với gia đình và bạn bè của người đó để thu thập thêm thông tin về hành vi và lịch sử.

    Chuyên gia tâm lý thường dựa vào tiêu chí trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ để chẩn đoán Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức.

    Để được chẩn đoán mắc OCPD, người đó phải có một mô hình hành vi liên tục với sự ám ảnh về:

    • Trật tự.
    • Chủ nghĩa hoàn hảo.
    • Kiểm soát bản thân, người khác và đa số tình huống.

    Điều trị rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức như thế nào?

    Tâm lý trị liệu (trị liệu bằng lời nói) thường là phương pháp điều trị chính cho các rối loạn nhân cách. Mục tiêu là giúp người bệnh tìm ra động cơ và nỗi sợ liên quan đến suy nghĩ và hành vi của họ. Thêm vào đó, người bệnh có thể được hướng dẫn và học cách tương tác với người khác theo chiều hướng tích cực hơn.

    Hai loại tâm lý trị liệu cụ thể có thể giúp người mắc OCPD bao gồm:

    • Tâm lý động học (Psychodynamic therapy): Loại trị liệu này tập trung vào nguồn gốc tâm lý gây ra sự đau khổ. Thông qua sự tự phản ánh và tự kiểm tra, người tham gia trị liệu có thể hiểu rõ hơn các mối quan hệ và mô hình hành vi có vấn đề trong cuộc sống của mình. Từ đó hiểu rõ hơn về bản thân và thay đổi thái độ sống với mọi người và môi trường xung quanh.
    • Trị liệu hành vi nhận thức (CBT): Đây là một loại trị liệu có cấu trúc, mục tiêu cụ thể. Một nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học giúp người bệnh xem xét kỹ lưỡng suy nghĩ và cảm xúc của họ. Họ sẽ hiểu cách suy nghĩ của mình ảnh hưởng đến hành động của mình. Thông qua CBT, người mắc OCPD có thể từ bỏ những suy nghĩ và hành vi tiêu cực và học cách áp dụng các mô hình suy nghĩ và thói quen lành mạnh hơn.

    Mặc dù hiện tại không có thuốc điều trị rối loạn nhân cách, nhưng người mắc OCPD có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc điều trị trầm cảm và lo âu. Việc điều trị các tình trạng này có thể giúp việc điều trị OCPD trở nên dễ dàng hơn.

    Đó là thông tin chi tiết về rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức (OCPD) mà bạn nên tìm hiểu. Đây là một tình trạng tâm lý phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người bệnh. Với sự hiểu biết đúng đắn và nhận thức kịp thời về căn bệnh này, chúng ta có thể hỗ trợ và đồng hành cùng những người đang mắc phải. Nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu của OCPD, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý trên Askany ngay hôm nay