Câu hỏi "bị trầm cảm có nên đi làm?" không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là công việc. Bạn đang phân vân không biết nên tiếp tục đi làm hay nghỉ ngơi để điều trị? Quyết định này có thể ảnh hưởng đến tương lai và tình hình kinh tế của bạn. Vậy hãy cùng Askany tìm hiểu những lợi ích cũng như khó khăn khi đi làm trong lúc đang bị trầm cảm qua bài viết dưới đây, bạn nhé.
Trầm cảm ảnh hưởng đến công việc như thế nào?
Quyết định có nên tiếp tục đi làm hay không khi bị trầm cảm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như: mức độ trầm cảm (trầm cảm nhẹ thường không gây ảnh hưởng quá nhiều); tính chất công việc có đòi hỏi sự giao tiếp, chịu áp lực cao hoặc sự tập trung cao hay không; môi trường làm việc thân thiện hay toxic và điều kiện kinh tế của chính bản thân bạn nữa.
Nhưng trước khi đưa ra quyết định, hãy một số ảnh hưởng của căn bệnh này lên vấn đề công việc thường ngày của bạn.
- Giảm năng suất làm việc, mệt mỏi mãn tính, khó tập trung
- Thường xuyên xuất hiện suy nghĩ tiêu cực, cảm giác bản thân vô dụng, tội lỗi, bất lực
- Khó đối phó với những áp lực từ công việc, deadline, dễ kiệt sức
- Tránh né, ngại giao tiếp, không tham gia các cuộc họp, không thích nói chuyện với đồng nghiệp
- Dễ bất mãn với những người tại công ty
- Mất ngủ, thay đổi khẩu vị, rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.
Nhưng ở một khía cạnh nào đó, mối quan hệ của những bệnh nhân trầm cảm với đồng nghiệp vẫn diễn ra suôn sẻ, bình thường. Bởi vì họ là kiểu người giỏi che giấu, luôn tạo “lớp mặt nạ vui vẻ” khi giao tiếp với mọi người xung quanh khiến cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Lấy một ví dụ đơn giản, trong bất cứ môi trường công sở nào cũng có tình trạng nhân viên bị sếp khiển trách (thậm chí là la mắng), đây được xem là một việc bình thường. Với những người có tâm lý ổn định, họ sẽ dễ dàng vượt qua và xem đó là động lực để cố gắng hơn. Nhưng với người mắc bệnh trầm cảm thì lại khác, họ sẽ có xu hướng cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi, bế tắc và không thể nào thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Vậy người mắc trầm cảm có nên đi làm không? Đọc tiếp thông tin dưới đây để cân nhắc giữa lợi và hại của việc đi làm khi đang mắc bệnh trầm cảm.
Bạn có thể tự kiểm tra bản thân bằng cách tham gia bài test trầm cảm BECK đánh giá mức độ của bạn.
Lợi ích của việc đi làm khi bị trầm cảm
Trang trải được cuộc sống
Nếu đi làm, bạn sẽ có một khoản thu nhập hàng tháng, gánh nặng cơm áo gạo tiền sẽ giảm đi rất nhiều. Một số người không cân nhắc kỹ mà bỏ việc giữa chừng khi chưa có khoản phí dự phòng, dẫn đến tình trạng khó khăn về kinh tế, như vậy càng khiến cuộc sống của họ thêm stress và bi quan hơn
Không bị phân tâm bởi những suy nghĩ tiêu cực
Nếu mỗi ngày đi làm 8 tiếng, tập trung vào công việc sẽ giúp bạn tránh xa những suy nghĩ tiêu cực, không có thời gian suy nghĩ về những chuyện buồn bã, bi quan. Nếu bạn quyết định ở nhà, không giao tiếp với ai cũng không có việc gì làm thì bạn sẽ càng suy nghĩ nhiều và trở nên mệt mỏi hơn.
Có đồng nghiệp chia sẻ, lắng nghe
Người trầm cảm có tâm lý thấy cô đơn và ngại giao tiếp. Nhưng bạn nên biết rằng, cách hiệu quả nhất để vượt qua vấn đề này là chia sẻ với người thân hoặc bạn bè đồng nghiệp.
Sau khi tan ca, đừng lủi thủi về nhà một mình, nếu có thời gian rãnh hãy tụ tập bạn bè, đồng nghiệp đi ăn uống, xem phim, đi chơi… để giải tỏa tâm trạng.
Thực hiện được đam mê
Có một số người thực sự rất say mê công việc mình đang làm, họ xem đó như một phần đam mê của mình. Đối với họ, đi làm không phải là một việc bị bắt buộc mà là đang tận hưởng, cố gắng vì những điều mình thích. Những người này sẽ liên tục đặt ra và đạt được các mục tiêu trong công việc, giúp họ phần nào tự tin hơn và mau chóng khôi phục tinh thần.
Những khó khăn khi đi làm khi bị trầm cảm
Tùy thuộc vào mức độ trầm cảm và đặc thù công việc của mỗi cá nhân, những khó khăn mà họ gặp phải sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung có thể bao gồm các vấn đề sau:
Mệt mỏi, không có động lực trong công việc
Đây chính là lý do khiến nhiều người từ bỏ công việc hiện tại. Tình trạng mệt mỏi mãn tính này là một trong số các triệu chứng của bệnh trầm cảm, cũng có thể do việc mất ngủ thường xuyên gây ra.
Hơn thế nữa, tìm kiếm một công việc phù hợp với đam mê cá nhân là quá trình kéo dài cả đời. Nếu bạn cảm thấy công việc hiện tại không đáp ứng được những giá trị sống của bản thân hoặc yêu cầu quá cao về cường độ làm việc thì bạn nên dành thời gian suy nghĩ lại về những định hướng sắp tới của bản thân. Nếu bạn cảm thấy bối rối về vấn đề này, hãy tìm đến sự hỗ trợ ngay lập tức từ các chuyên gia tâm lý trên Askany.
Cảm giác công việc quá khó khăn để hoàn thành
Nhiều người cảm thấy công việc quá khó khăn, một phần có thể do tính chất công việc, nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng từ bệnh trầm cảm. Những suy nghĩ tiêu cực, bi quan và cảm giác bế tắc thường khiến công việc trở nên nặng nề hơn.
Khó tập trung, trí nhớ kém
Mặc dù không phải ai bị trầm cảm cũng trải qua tình trạng này, nhưng đa số người mắc trầm cảm thường than phiền về việc trí nhớ kém hơn trước. Khả năng tập trung cũng suy giảm, dẫn đến việc công việc bị ảnh hưởng và áp lực càng gia tăng.
Nghĩ tiêu cực về mối quan hệ với đồng nghiệp
Người trầm cảm có thể cảm thấy mình bị cô lập, không được đồng nghiệp yêu thích hay tôn trọng. Trong một số trường hợp có thể đúng, nhưng đôi lúc cũng có thể chỉ là hậu quả của những suy nghĩ tiêu cực không được kiểm soát do bệnh trầm cảm gây ra.
Vậy bị trầm cảm có nên đi làm không?
Vậy tóm lại, bị trầm cảm có nên đi làm không?
Chuyên gia tâm lý tại Askany khuyên rằng, nếu bạn bị trầm cảm nhẹ thì vẫn có thể duy trì công việc với một số điều chỉnh nhỏ để phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình hơn. Trong trường hợp trầm cảm ở mức độ trung bình, bạn nên giảm tải công việc, dành thời gian ưu tiên cho nghỉ ngơi và điều trị. Đối với trầm cảm nặng, bạn nên tạm dừng công việc để tập trung hoàn toàn vào điều trị
Tính chất công việc cũng đóng vai trò quan trọng khi bạn đưa ra quyết định. Nếu công việc của bạn đòi hỏi sự tập trung cao độ và giao tiếp nhiều, nó có thể làm bạn thêm stress và bệnh tình trầm trọng hơn Ngược lại, những công việc đơn giản, ít áp lực thì bạn có thể dễ dàng cân bằng và đảm nhiệm được. Nếu bạn chịu quá nhiều áp lực, hãy cân nhắc chọn công việc với vị trí thấp hơn hoặc đơn giản hơn. Nếu đã quen rồi thì hẵng tăng dần cường độ. Ví dụ, thay vì bán hàng 10 tiếng/ ngày, bạn nên giảm xuống còn 4-5 tiếng/ ngày, vẫn tạo ra được nguồn thu nhập và còn giảm bớt áp lực. Bạn cũng nên nhớ rằng, áp lực là một phần trong công việc, ai cũng gặp phải áp lực tại thời điểm nào đó, kể cả người có tâm lý ổn định nhất.
Môi trường làm việc cũng là một yếu tố cần được cân nhắc. Một môi trường làm việc tích cực với đồng nghiệp thân thiện, vui vẻ có thể là nguồn hỗ trợ và động viên rất lớn cho bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc căng thẳng và cạnh tranh gay gắt sẽ gây hại cho sức khỏe tâm lý của bạn.
Cuối cùng, điều kiện điều trị cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu bạn đang được điều trị và tình trạng bệnh hiện đã cải thiện nhiều thì bạn hoàn toàn có thể quay trở lại với công việc. Tuy nhiên, nếu bạn chưa được điều trị, tình trạng trầm cảm ngày một nặng hơn thì việc ưu tiên điều trị trước là rất quan trọng.
Đó là tất cả những lời khuyên của chuyên gia tâm lý trên Askany để trả lời cho câu hỏi “bị trầm cảm có nên đi làm không” của bạn. Quyết định có nên đi làm khi bị trầm cảm không là một quyết định cá nhân. Bạn nên lắng nghe cơ thể và tâm trí của mình. Đừng quên bạn vẫn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ và những người thân yêu để đưa ra quyết định tốt nhất cho bản thân. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào khác, đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho chuyên gia tâm lý trên Askany bạn nhé.