Tâm lý những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn sẽ diễn biến như thế nào? Ly hôn - một vấn đề tưởng chừng như chỉ ảnh hưởng đến người lớn nhưng thực chất lại để lại vết thương lòng sâu sắc cho cả những đứa trẻ. Chúng thường lo sợ về tương lai và thậm chí có thể rơi vào trầm cảm, khó hòa nhập với cuộc sống mới. Vậy những đặc điểm của con trẻ khi bố mẹ ly hôn là gì? Làm gì để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này? Bài viết sau đây của Askany sẽ đi sâu vào phân tích tâm lý của trẻ em khi ba mẹ ly hôn, từ đó đưa ra những gợi ý hữu ích cho các bậc phụ huynh và những người quan tâm.
Tâm lý những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn như thế nào?
Sự đổ vỡ của gia đình không chỉ gây ra nỗi đau cho người lớn mà còn để lại vết thương lòng sâu sắc cho trẻ thơ. Trẻ em với tâm hồn trong sáng và nhạy cảm thường khó chấp nhận sự thật rằng cha mẹ chúng không còn ở bên nhau. Cảm giác mất mát, cô đơn bao trùm lấy chúng, khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu.
Rối loạn cảm xúc
Trẻ nhỏ, đặc biệt là những em dưới 10 tuổi, thường phản ứng rất mạnh mẽ trước tin bố mẹ ly hôn. Trẻ con thường có suy nghĩ rằng khi ly dị thì bố mẹ sẽ bỏ rơi và không quan tâm đến mình. Mức độ phản ứng của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có độ tuổi, tính cách của trẻ, cách thức bố mẹ thông báo tin tức và sự bảo bọc của gia đình. Nếu trước đây trẻ được nuông chiều quá mức thì sẽ có phản ứng dữ dội hơn so với trẻ được giáo dục phải tự lập và mạnh mẽ từ bé.
Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của trẻ khi đối mặt với ly hôn của bố mẹ là sự thay đổi hành vi. Chúng có thể trở nên rụt rè, thu mình, hoặc ngược lại, trở nên hoạt bát thái quá để che giấu nỗi buồn bên trong. Rối loạn giấc ngủ cũng là một dấu hiệu thường gặp, trẻ có thể khó ngủ, hay giật mình hoặc ngủ mơ nhiều.
Việc thay đổi môi trường sống đột ngột sau ly hôn cũng là một yếu tố gây stress lớn cho trẻ. Trẻ có thể cảm thấy bất an, lo lắng khi phải thích nghi với một ngôi nhà mới, một trường học mới và những mối quan hệ xã hội mới. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về học tập, giao tiếp và tập trung.
Do đó nến có thể, bố mẹ nên thông báo trước với con việc bố mẹ sẽ ly hôn nhưng tránh thay đổi chỗ ở. Tốt nhất bố mẹ nên ráng sống chung với nhau một thời gian ngắn để trẻ tập quen dần. Vì đả kích từ việc bố mẹ ly hôn cùng với thay đổi môi trường sống đột ngột có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý sâu sắc.
Xem thêm: Có nên sống thử trước hôn nhân: Ưu và nhược điểm bạn cần biết
Tự dằn vặt
Sau khi trải qua sự tức giận và cáu kỉnh, trẻ em có thể cảm thấy tội lỗi, tự dằn vặt bản thân. Một số trẻ nghĩ rằng vì mình hư hỏng, học kém, không vâng lời nên cha mẹ mới bỏ đi. Suy nghĩ này ám ảnh trẻ trong thời gian dài, dẫn đến sự đau khổ, mệt mỏi và lo âu, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Trẻ có thể không chia sẻ cảm giác này với cha mẹ vì mặc cảm và thấy tội lỗi. Khi đó, những cảm xúc tiêu cực này sẽ dày vò con, khiến chúng trở nên bi quan và buồn bã sâu sắc. Nếu không được xử lý sớm, trẻ có thể đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng như căng thẳng, trầm cảm, và thậm chí là rối loạn lo âu.
Nhạy cảm
Tâm lý những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thường rất nhạy cảm. Trẻ dễ dàng phản ứng quá mức khi tiếp nhận thông tin này và dù cảm xúc ban đầu có thể dịu đi sau một thời gian nhưng tổn thương tâm lý vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Trẻ vẫn giữ sự nhạy cảm với mọi thay đổi trong cuộc sống hàng ngày.
Bố mẹ có thể nhận thấy con mình trở nên u sầu, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh kể cả những sở thích trước đây của chúng. Khi những sự kiện không mong muốn xảy ra, dù là chuyện nhỏ nhặt cũng có thể làm trẻ phản ứng thái quá, nguyên nhân xuất phát từ tâm lý nhạy cảm sẵn có. Điều này còn khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn, đặc biệt khi phải chuyển trường hoặc đến nơi ở mới.
Phản ứng nhạy cảm là điều phổ biến ở trẻ khi bố mẹ ly hôn, đặc biệt rõ rệt ở trẻ nhỏ. Còn với những đứa trẻ lớn (từ 15 tuổi trở lên), chúng có khả năng kiểm soát sự nhạy cảm của mình tốt hơn nên có xu hướng chịu đựng một mình. Thay vì phản ứng thái quá, chúng thường chịu đựng cảm xúc tiêu cực trong im lặng. Với sự hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống, những đứa trẻ lớn thường thấu hiểu lý do bố mẹ chia tay và biết cách vượt qua mất mát này.
Cảm thấy cô đơn, bất lực
Khi cha mẹ ly hôn, trẻ em thường trải qua cảm giác cô đơn và bất lực, đặc biệt là khi mất đi sự quan tâm và yêu thương từ phía người còn lại. Sự thiếu vắng của bố hoặc mẹ có thể dẫn đến cảm giác trống rỗng và dù cha/mẹ có nỗ lực bù đắp đến đâu cũng không thể thay thế vị trí của người còn lại.
Nhiều trẻ hy vọng có thể giúp cha mẹ hàn gắn, mong muốn gia đình quay trở lại hạnh phúc như xưa. Tuy nhiên, những nỗ lực này thường không mang lại kết quả vì khi cha mẹ đã quyết định ly hôn thì điều đó thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn sâu sắc không thể giải quyết. Sự thất bại trong việc hàn gắn gia đình khiến trẻ cảm thấy bất lực và vô vọng, dẫn đến tâm lý buồn bã, bi quan, và tự trách bản thân.
Với những trẻ có tính cách nhạy cảm và yếu đuối, cú sốc từ việc cha mẹ ly dị có thể làm cho chúng trở nên khép kín, ít nói, và không muốn chia sẻ cảm xúc với bất kỳ ai.
Mất niềm tin
Gia đình được xem là toàn bộ thế giới đối với một đứa trẻ. Gia đình không chỉ là nơi nuôi dưỡng mà còn là nơi mang đến sự an toàn, đoàn kết và tình yêu thương. Khi gia đình tan vỡ, niềm tin của trẻ vào cuộc sống cũng sụp đổ. Những đổ vỡ từ nền tảng vốn được xem là chắc chắn nhất khiến trẻ trở nên bi quan, mất niềm tin và cảm thấy cuộc sống vô vọng.
Tình trạng này thường xảy ra với những trẻ từ nhỏ đã được bố mẹ yêu thương, chăm sóc chu đáo và bố mẹ biết cách kiềm chế nên chúng không chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ như vậy thì có thể bị sốc tâm lý do không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước. Trái lại, những trẻ chứng kiến mâu thuẫn gia đình, bố mẹ cãi vã hàng ngày có thể dễ dàng hơn trong việc chấp nhận thực tế này.
Sau khi cha mẹ ly hôn, không chỉ bố mẹ mà cả con cái đều có thể mất niềm tin vào mọi thứ. Khi không còn lòng tin, trẻ thường khép kín, ngại kết bạn và có xu hướng sống cô lập, tách biệt không muốn chia sẻ với ai. Nếu không được can thiệp tâm lý kịp thời, những tác động tiêu cực này có thể kéo dài và gây nhiều rắc rối trong cuộc sống sau này.
Chống đối
Một số trẻ phản ứng tiêu cực sau khi bố mẹ ly hôn, dẫn đến việc hình thành tâm lý chống đối. Những hành vi này thường là nỗ lực của trẻ để thu hút sự quan tâm, do cảm giác bị bỏ rơi hoặc trở nên thừa thãi trong cuộc sống của bố mẹ. Tuy nhiên, thay vì hiểu rõ tâm lý này, nhiều người lớn lại nhanh chóng trách móc, cho rằng trẻ hư hỏng.
Tâm lý chống đối cũng có thể xuất phát từ việc ly hôn làm gián đoạn các kế hoạch tương lai của trẻ. Ví dụ, trẻ có ý định thi vào trường chuyên nhưng phải chuyển trường và xa cách bạn bè. Trẻ có thể cảm thấy bố mẹ chỉ nghĩ cho bản thân, không quan tâm đến cảm xúc của con cái, dẫn đến quyết định ly hôn làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mình.
Sợ hãi hôn nhân
Tâm lý những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn là sợ hãi hôn nhân và sự ràng buộc. Trẻ lo lắng rằng gia đình của mình cũng sẽ tan vỡ như cuộc hôn nhân trước đây của bố mẹ. Tâm lý này đặc biệt phổ biến ở trẻ gia đình không hạnh phúc và trong nhà thường xuyên có sự xung đột, to tiếng hoặc cãi vã.
Khi lớn lên trong môi trường như vậy, trẻ dần mất niềm tin vào hôn nhân và sợ những ràng buộc liên quan gia đình. Vì không có sự trải nghiệm chung sống với cả bố và mẹ nên trẻ khó hiểu được ý nghĩa thật sự của hôn nhân. Điều này khiến trẻ cho rằng hôn nhân có thể không cần thiết, thậm chí còn là nguyên nhân của những đau khổ và mất mát. Trẻ không muốn con cái của mình trải qua những điều tương tự.
Cách giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn
Con cái là những người nhạy cảm nhất trước quyết định chia tay của bố mẹ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc kết thúc cuộc hôn nhân là điều không thể tránh khỏi. Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của trẻ, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thông báo quyết định này.
Thời điểm thông báo cũng rất quan trọng. Hãy tránh chọn những lúc trẻ đang trải qua gánh nặng học tập hoặc các biến cố khác trong cuộc sống. Thay vào đó, hãy chọn một thời điểm yên tĩnh và thích hợp để có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với con.
Trong cuộc trò chuyện, hãy giải thích rõ ràng lý do dẫn đến quyết định ly hôn nhưng tránh việc đổ lỗi cho nhau. Sự chân thành và thấu hiểu sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. Đồng thời bố mẹ cũng cần lắng nghe những chia sẻ của con và khẳng định tình yêu của bạn dành cho con.
Sau khi ly hôn, giữ liên lạc thường xuyên với con là điều cực kỳ quan trọng mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng nên làm. Hãy dành thời gian bên cạnh, quan tâm đến cuộc sống của con và tạo ra những kỷ niệm đẹp mới. Hãy cho con biết rằng dù bố mẹ có rời xa nhau thì tình yêu của bố mẹ dành cho con vẫn mãi không thay đổi.
Một số câu nói có thể giúp xoa dịu tâm hồn trẻ: "Con luôn là món quà quý giá của bố mẹ", "Dù sống ở đâu, con vẫn luôn là một phần trong gia đình của bố mẹ", "Bố mẹ sẽ luôn ở bên con, ủng hộ con trong mọi quyết định".
Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu ngay 9+ chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình
Đó là những diễn biến tâm lý những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn. Việc gia đình tan vỡ có thể gây ra cảm giác mất mát, bất an và lo lắng về tương lai. Những đứa trẻ này có thể cảm thấy bị bỏ rơi hoặc nghĩ rằng mình là nguyên nhân gây ra sự chia tay của cha mẹ. Để hỗ trợ con tốt nhất, bố mẹ cần chia sẻ cảm xúc và đồng hành cùng con. Việc tham vấn tâm lý cũng có thể giúp trẻ vượt qua những khó khăn và phát triển tâm lý lành mạnh hơn. Bất cứ khi nào cần hỗ trợ, các chuyên gia tư vấn tâm lý trên Askany luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.