Câu chuyện có nên sống thử trước hôn nhân hay không vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại ngày nay, giới trẻ ngày càng "thoáng" hơn trong việc quan hệ tình dục. Để biết được ưu nhược điểm của việc sống thử, các quy định pháp lý, các bước chuẩn bị và lời khuyên cho việc sống thử, hãy tham khảo bài viết sau đây của Askany.
Sống thử trước hôn nhân là gì?
Sống thử là một quyết định cá nhân trước ngưỡng cửa hôn nhân và đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ Việt Nam. Sống thử là tình trạng cặp đôi yêu nhau sống chung như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn. Những người sống chung như vậy sẽ không bị phụ thuộc nào về mặt pháp lý. Cặp đôi quyết định chung sống để tìm hiểu nhau kỹ lưỡng hơn, xây dựng một nền tảng vững chắc trước khi tiến đến hôn nhân.
Tuy nhiên, việc sống thử vẫn còn nhiều tranh cãi. Một mặt, nó giúp các cặp đôi tránh những rủi ro khi kết hôn vội vàng và tập quen với cuộc sống gia đình. Mặt khác, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như mang thai ngoài ý muốn, bạo hành gia đình, và những vấn đề pháp lý phức tạp nếu xảy ra tranh chấp.
Xã hội Việt Nam với những giá trị truyền thống về hôn nhân gia đình vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc sống thử. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay đang ngày càng mở lòng hơn với hình thức này.
Quyết định có nên sống thử hay không là một quyết định hoàn toàn cá nhân. Các cặp đôi nên cân nhắc kỹ lưỡng những ưu điểm và nhược điểm trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Tốt nhất, bạn hãy tìm hiểu kỹ về pháp luật, thông báo cho gia đình hoặc lên kế hoạch để bảo vệ bản thân trước khi quyết định sống thử.
Xem thêm: Các hình thức bạo lực gia đình: nhận biết và đối phó hiệu quả
Lợi ích của việc sống thử
- Giảm căng thẳng trước hôn nhân: Nhiều người trẻ hiện nay yêu thích sự tự do và rất ngại kết hôn. Sống thử sẽ giúp giảm bớt lo lắng và áp lực về cuộc sống hôn nhân. Thời gian sống chung giúp bạn và người yêu chuẩn bị tâm lý, điều chỉnh thói quen để có thể dung hòa cho cuộc sống cả hai.
- Hiểu nhau hơn: Sống thử giúp bạn nhận ra những ưu điểm và khuyết điểm của đối phương - những điều mà khi hẹn hò bạn khó lòng nhìn ra được. Khi sống chung, bạn sẽ có cơ hội quan sát đối phương trong những tình huống thực tế, từ đó hiểu rõ hơn về tính cách, thói quen, sở thích, cách đối mặt với khó khăn... của họ, để đánh giá xem hai người có thực sự phù hợp để tiến đến hôn nhân hay không.
- Tiết kiệm chi phí: Chia sẻ chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà và điện nước giúp giảm gánh nặng tài chính. Đồng thời, bạn sẽ học cách quản lý tài chính hiệu quả, lập kế hoạch tiết kiệm để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai hai đứa.
- Học cách giải quyết mâu thuẫn: Không giống như lúc yêu đương, giận hờn cãi vã lại nghĩ đến chuyện chia tay. Sống thử là một cơ hội để bạn học cách giải quyết xung đột và bất đồng quan điểm trên tinh thần nhường nhịn, tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau. Điều này là cần thiết để duy trì một mối quan hệ lâu dài và hạnh phúc.
- Quyết định kết hôn dễ dàng hơn: Việc sống thử giúp bạn biết được cả hai có thực sự phù hợp để trở thành vợ chồng hay không. Nếu cuộc sống chung diễn ra suôn sẻ, bạn có thể tự tin hơn trong quyết định kết hôn. Ngược lại, nếu gặp quá nhiều khó khăn, bạn có thể cân nhắc lại quyết định này.
- Giảm thiểu rủi ro ly hôn: Khi đã tìm hiểu kỹ về nhau trước khi quyết định kết hôn, các cặp đôi có thể giảm thiểu khả năng xảy ra những bất đồng và xung đột lớn sau này và từ đó giảm nguy cơ ly hôn.
Rủi ro của việc sống thử
Ngoài ra, sống thử cũng mang lại nhiều rủi ro như sau:
- Đối mặt với định kiến xã hội: Sống thử thường gặp sự phản đối từ gia đình và xã hội, đặc biệt ở những nơi còn giữ quan niệm truyền thống khắt khe như Việt Nam. Đặc biệt là phụ nữ có thể bị chỉ trích. cười chê, đay nghiến thậm chí là xem thường vì không biết “giữ mình” trước khi về nhà chồng.
- Ảnh hưởng tâm lý: Cuộc sống hôn nhân “tạm bợ” có thể gây căng thẳng và tổn thương tâm lý, đặc biệt nếu bạn phải đối mặt với sự chỉ trích từ xã hội. Không những vậy, những khó khăn trong mối quan hệ như người yêu thờ ơ, không còn những cử chỉ thân mật, thiếu sự ngọt ngào, không còn chiều chuộng bạn hoặc khi bạn phát hiện thói hư tật xấu của họ bạn sẽ dễ bị sốc tâm lý. Khi một trong hai đã đặt niềm tin quá nhiều vào đối phương hoặc bị phụ thuộc vào mối quan hệ này thì khi kết thúc những tổn thương sẽ rất lớn và khiến họ khó bắt đầu mối quan hệ mới.
- Không còn niềm tin vào hôn nhân: Thời gian mới yêu hoặc mới sống chung, bạn sẽ cảm thấy rất hào hứng và dễ dàng chấp nhận những lỗi lầm của họ. Nhưng thực tế sau một thời gian sống chung, những khuyết điểm của đối phương càng lộ ra nhiều hơn và khiến bạn có cái nhìn tiêu cực về họ. Nếu không thể dung hòa và đổ vỡ, bạn sẽ hình thành ác cảm và thất vọng về cuộc sống hôn nhân sau này.
- Tạo ấn tượng xấu với gia đình đối phương: Ở Việt Nam chưa có nhiều gia đình chấp nhận cho con mình sống thử. Hằng ngày trên báo đài cũng đưa hàng loạt thông tin nói về hậu quả của việc sống thử do đó các bậc cha mẹ còn dè chừng hơn. Sống thử có thể khiến bạn để lại ấn tượng không tốt với gia đình người yêu, nam thì bị cho là dụ dỗ, lợi dụng, còn nữ thì bị xem là dễ dãi, không được dạy dỗ tử tế. Điều này có thể gây khó khăn trong việc xây dựng hôn nhân về sau
- Nguy cơ mang thai ngoài ý muốn: Sống thử có thể dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn, đặc biệt nếu hai người chưa sẵn sàng cho việc làm cha mẹ hoặc chưa ổn định về tài chính.
Quy định của pháp luật về việc sống thử trước hôn nhân
Nhiều người nghĩ rằng việc "sống thử" chỉ là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, không liên quan đến nghĩa vụ hay trách nhiệm pháp lý, và dễ dàng chia tay khi không còn cảm thấy hào hứng. Thực tế, sống thử hay chung sống không hôn nhân không được pháp luật và xã hội công nhận như một mối quan hệ hợp pháp. Do đó, các cặp đôi sống thử không có trách nhiệm pháp lý về nghĩa vụ gia đình hay theo quy định của luật Hôn nhân.
Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, sống thử không hề đơn giản. Mặc dù các cặp đôi chỉ sống chung mà không kết hôn chính thức, pháp luật vẫn có những quy định áp dụng cho trường hợp này. Theo Điều 14 của Luật Hôn nhân và gia đình, “Việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không tạo ra quyền và nghĩa vụ như vợ chồng. Tuy nhiên, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến con cái, tài sản, và các hợp đồng sẽ được giải quyết theo Điều 15 và 16 của Luật này.”
Tóm lại, dù sống thử không tạo ra các quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng, các vấn đề liên quan đến con cái và tài sản vẫn sẽ được pháp luật điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên, đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Có nên sống thử trước hôn nhân không?
Có nên sống thử trước hôn nhân không? Đây là câu hỏi mà nhiều cặp đôi trẻ đặt ra. Tuy nhiên, quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố từ sự sẵn sàng về tâm lý, tài chính cho đến sự đồng thuận của gia đình và bạn bè.
Những cặp đôi nên cân nhắc sống thử khi:
- Cả hai đều có ý định tiến tới hôn nhân và muốn xây dựng một tương lai chung.
- Cả hai có sự độc lập tài chính ổn định và có thể tự chủ cuộc sống.
- Cả hai đã trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu rõ về các vấn đề sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai an toàn.
- Cả hai đã có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn và thách thức có thể xảy ra trong quá trình sống chung.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên sống thử. Việc sống chung trước hôn nhân có thể không phù hợp với những cặp đôi:
- Chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc, chưa có ý định kết hôn hoặc muốn giữ khoảng cách nhất định.
- Chưa đủ trưởng thành, không có công việc ổn định hoặc chưa tự lập được về tài chính.
- Đang chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội, rất sợ bị người khác đánh giá hoặc không được ủng hộ.
Việc sống thử có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, các cặp đôi cần thận trọng cân nhắc và tìm kiếm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết trong vấn đề này, hãy liên hệ với chuyên gia tư vấn tâm lý của chúng tôi trên ứng dụng Askany ngay hôm nay.
Đó là một số thông tin mà bạn nên nắm trước khi đưa ra quyết định có nên sống thử trước hôn nhân hay không. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân, văn hóa, và quan điểm của từng cặp đôi và không có câu trả lời đúng sai tuyệt đối. Nếu bạn cần cho lời khuyên cụ thể trong trường hợp của mình, hãy nhờ người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình trên Askany để được hỗ trợ nhé.