Tác hại của việc la mắng con cái khôn lường như thế nào? La mắng con cái – một hành vi tưởng chừng như bình thường trong nhiều gia đình, nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Liệu bạn có biết rằng việc la mắng không chỉ khiến trẻ sợ hãi mà còn có thể làm tổn thương lòng tự trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc và thậm chí dẫn đến những vấn đề tâm lý nghiêm trọng ở con? Bài viết này Askany sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác hại của việc la mắng và gợi ý những cách thức hiệu quả hơn để giáo dục con.
Tác hại của việc la mắng con cái quá mức
Trẻ em không phải lúc nào cũng cư xử đúng mực, chúng thường có những hành vi nghịch ngợm, quậy phá, làm ồn hoặc phạm lỗi sai liên tục. Đây là điều rất bình thường và xuất hiện ở hầu hết mọi đứa trẻ. Nhưng ngay cả những bậc phụ huynh kiên nhẫn nhất đôi khi cũng không thể kiềm chế được mà quát mắng con. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, khi người lớn phải đối mặt với nhiều áp lực từ công việc, gia đình và các mối quan hệ khiến họ ngày càng cáu gắt và dễ nổi nóng hơn.
Tiến sĩ Deema Sihweil, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện nghiên cứu các mối quan hệ con người Dubai (HRI) nhấn mạnh rằng "La hét, quát mắng trẻ sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của chúng." Bà cũng lưu ý rằng, việc la mắng thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, mất ngủ, chậm phát triển và ảnh hưởng đến hành vi, học tập, giao tiếp xã hội, cũng như kỹ năng đối phó với cuộc sống.
Dưới đây là những tác hại khôn lường của việc la mắng con cái
Suy giảm sự sáng tạo
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cha mẹ thường xuyên la mắng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến IQ của trẻ. Khi trẻ liên tục bị quát mắng, kích thước não của chúng có thể nhỏ hơn so với những trẻ nhận được sự động viên, khen ngợi thường xuyên. Việc này khiến cho sự phát triển trí thông minh của trẻ bị hạn chế, thiếu sự sáng tạo và nhạy bén. Kích thước não có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển trí tuệ và nếu não phát triển không đạt chuẩn, chỉ số IQ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng xử lý thông tin.
Hơn nữa, những đứa trẻ thường xuyên bị quát mắng sẽ khó phát huy khả năng sáng tạo vì chúng sống trong trạng thái lo sợ và thiếu an toàn. Trẻ sẽ mất niềm tin vào người khác, đặc biệt là cha mẹ của mình và luôn lo lắng về việc làm sai, sợ bị trách phạt.
Trong tâm lý học, có một khái niệm gọi là "hiệu ứng gợi ý" nghĩa là khi cha mẹ liên tục la mắng và sử dụng những lời nói tiêu cực, trẻ sẽ dần nội tâm hóa những điều đó. Nếu cha mẹ luôn chê bai con lười biếng, ngốc nghếch, chậm chạp, lâu dần con sẽ thật sự trở nên như vậy.
Xem thêm: Làm gì khi vợ ngoại tình tư tưởng để hôn nhân không đổ vỡ?
Trở nên tiêu cực
Nhiều phụ huynh tin rằng việc quát mắng con cái sẽ giúp con nhận ra lỗi lầm và không tái phạm nữa. Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý cho thấy thói quen quát mắng thường xuyên không những không giúp trẻ giải quyết vấn đề mà còn khiến chúng trở nên tiêu cực hơn.
Một nghiên cứu trên các gia đình có con trên 13 tuổi đã phát hiện rằng khi cha mẹ thường xuyên quát mắng và trách phạt, con cái có xu hướng chống đối và thực hiện các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến bản thân và người khác.
Một số trẻ sau khi trưởng thành có thể sử dụng ngôn ngữ thô bạo trong giao tiếp và ứng xử với người khác. Thậm chí, khi lập gia đình trẻ cũng có xu hướng áp dụng phương pháp giáo dục này với con cái của mình.
Khó kiểm soát cảm xúc
Việc cha mẹ thường xuyên la mắng con cái cũng là cách thể hiện cơn giận dữ và sự mất bình tĩnh của bản thân. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng chúng ta chính là tấm gương cho con cái noi theo.
Nếu cha mẹ luôn la hét và chửi mắng trong hầu hết các tình huống, trẻ sẽ khó học được cách kiểm soát cảm xúc và thiếu kiên nhẫn. Các chuyên gia tư vấn tâm lý ở Askany cũng cho biết rằng những trẻ thường xuyên chứng kiến cơn tức giận, cáu gắt hoặc bị la mắng liên tục từ bố mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát cảm xúc của chính mình. Vì vậy, không ngạc nhiên khi những đứa trẻ này có xu hướng la hét, khóc lóc, cáu gắt hoặc chống đối khi bị cha mẹ trách phạt.
Nếu tình trạng này không được phát hiện và can thiệp kịp thời, nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giao tiếp và trưởng thành của trẻ.
Giảm lòng tự trọng
Mắng nhiếc con cái không chỉ gây tổn thương tinh thần mà còn có tác động tiêu cực hơn cả đòn roi. Khi cha mẹ thường xuyên lớn tiếng hoặc chửi mắng, nhận thức của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, khiến trẻ thiếu tự tin, hay thậm chí là tự ti về bản thân và cảm thấy mình không có giá trị.
Lâu dần, trẻ sẽ bỏ bê việc chăm sóc bản thân, không quan tâm đến ngoại hình và trẻ vị thành niên dễ dàng sa vào những lối sống buông thả, tiêu cực như: hút thuốc, uống rượu, hoặc thậm chí tham gia vào các hoạt động xã hội không lành mạnh. Bên cạnh đó, việc thường xuyên bị chỉ trích cũng có thể khiến trẻ giảm sự tôn trọng đối với cha mẹ, mất đi sự ngưỡng mộ và tình cảm vốn có.
Nguy cơ trầm cảm cao
Những tổn thương tâm lý do việc bị la mắng có thể kéo dài suốt đời và là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm khi trẻ trưởng thành. Tâm lý trẻ nhỏ rất nhạy cảm, khi liên tục bị la mắng, trẻ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi và bất an. Những lời chỉ trích thô bạo từ cha mẹ có thể gây ra tổn thương tâm lý sâu sắc dẫn đến rối loạn tâm thần và các vấn đề nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, hoặc tự kỷ. Sống trong môi trường giáo dục đầy căng thẳng và bạo lực lời nói như vậy sẽ khiến con dần trở nên khép kín, cô lập khỏi xã hội và tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm lý.
Mất khả năng nhận thức và sửa chữa sai lầm
Việc cha mẹ thường xuyên la mắng con không chỉ làm giảm khả năng nhận thức đúng sai của con mà còn khiến chúng khó sửa chữa sai lầm. Nhiều phụ huynh vì áp lực cuộc sống mà trút cơn giận lên con cái bằng cách sử dụng những lời lẽ nặng nề. Tuy nhiên, khi cha mẹ chỉ biết la hét mà không giải thích, trẻ sẽ không biết được sai lầm của mình là gì và dần dần mất khả năng phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Trẻ sẽ luôn cảm thấy rằng mọi hành động của mình đều là sai trái và lo sợ bị trách phạt. Ngược lại, một số trẻ có thể trở nên bất cần, không quan tâm đến hậu quả và liên tục phạm sai lầm trong những lần tiếp theo
Nhút nhát và ngại giao tiếp
Bị cha mẹ thường xuyên la mắng có thể tạo ra những nỗi sợ hãi và bất an sâu sắc trong tâm lý trẻ. Theo thời gian trẻ sẽ dần trở nên nhút nhát, sợ sệt và thiếu tự tin, không dám chủ động thực hiện bất kỳ việc gì. Đặc biệt là trong giao tiếp với người khác, kể cả với cha mẹ. Những trẻ này thường có cảm giác bất an lo lắng về môi trường xung quanh, dẫn đến ngại tiếp xúc và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm, kỹ năng ứng phó với cuộc sống của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến trẻ khó vượt qua những thách thức trong tương lai.
Phương pháp nuôi dạy tích cực hơn
Như vậy, bạn đã thấy được việc thường xuyên la mắng con cái có thể gây ra những tác động tiêu cực như thế nào đến tâm lý của trẻ. Quát mắng và la hét không phải là phương pháp giáo dục hiệu quả mà chỉ làm tăng thêm sự sợ hãi ở con mà thôi.
Chắc hẳn bậc phụ huynh nào cũng gặp phải áp lực từ công việc, gia đình hoặc tài chính. Khi đối diện với con cái đang nghịch ngợm hay phạm lỗi, việc bạn cảm thấy bực bội và la mắng là điều dễ hiểu. Nhưng để tránh gây tổn thương tinh thần cho con và giúp con phát triển tích cực, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Kiểm soát ngôn ngữ khi giao tiếp: Bố mẹ nên học cách kiềm chế và quản lý cảm xúc của bản thân. Thay vì sử dụng những lời nói thô bạo, hãy chọn cách diễn đạt nhẹ nhàng và dễ nghe hơn. Ví dụ, thay vì nói "Con thật ngu ngốc," bạn có thể nói "Cha/mẹ rất thất vọng khi con không vâng lời."
- Giải thích rõ ràng về lỗi sai: Khi tức giận, hãy giải thích cho con biết lý do tại sao bạn không hài lòng để trẻ có thể nhận thức lỗi sai và tránh tái phạm. Thay vì chỉ la hét, bạn có thể nói, "Cha/mẹ rất buồn vì con không nghe lời."
- Xin lỗi khi cần thiết: Nếu bạn lỡ mất bình tĩnh và dùng lời lẽ không hay, hãy sẵn sàng xin lỗi con. Điều này không chỉ giúp giảm bớt tổn thương tâm lý cho trẻ mà còn là tấm gương tốt để con học cách xin lỗi khi mắc lỗi.
La mắng con cái là điều khó tránh nhưng đó không phải là phương pháp giáo dục tốt và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tâm lý và thể chất của con sau này. Mỗi giai đoạn phát triển, con cần được chăm sóc và dạy dỗ với phương pháp phù hợp để trẻ có thể phát triển toàn diện. Hãy thay thế những lời la mắng bằng sự thấu hiểu và đồng cảm để giúp con trẻ phát triển một cách tốt hơn bạn nhé.
Bài viết này cũng đã giải đáp cho phụ huynh thắc mắc tác hại của việc la mắng con cái nghiêm trọng như thế nào. Nếu bạn thường xuyên sử dụng phương pháp tiêu cực, hãy cân nhắc thay đổi để giảm thiểu các hậu quả khôn lường và hỗ trợ con phát triển tốt hơn. Nếu bạn muốn được tư vấn thêm về các biện pháp nuôi dạy con cái hiệu quả, làm sao khi trẻ không vâng lời, cách giao tiếp hiệu quả với con,... bạn có thể liên hệ các chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình trên Askany để được cho lời khuyên phù hợp.