Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent Personality Disorder - viết tắt là DPD) là một dạng rối loạn tâm lý, biểu hiện bởi nhu cầu cần được chăm sóc quá mức, dẫn đến hành vi phụ thuộc, dựa dẫm, không tự chủ và sợ bị bỏ rơi. Để biết thêm nhiều khía cạnh khác nhau của DPD, nguyên nhân và triệu chứng của nó như thế nào? Và làm thế nào để vượt qua rối loạn này? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của chuyên gia tâm lý trên Askany.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là gì?
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là một bệnh lý tâm thần đặc trưng bởi nhu cầu quá mức và dai dẳng cần được chăm sóc, dẫn đến hành vi phục tùng và bám víu vào người khác. Những người mắc rối loạn này thường cảm thấy bất lực và không thể tự lập.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc được xếp vào “Nhóm C” của các rối loạn nhân cách, đặc trưng bởi sự sợ hãi và lo lắng quá mức. Rối loạn nhân cách là những kiểu hành vi không phù hợp với các chuẩn mực, xảy ra trong thời gian dài. Chúng thường bắt đầu trước khi trưởng thành - trong thời thơ ấu hoặc tuổi thiếu niên. Rối loạn nhân cách gây ra nhiều hệ lụy cho người mắc bệnh và những người xung quanh mình.
Nguyên nhân của rối loạn nhân cách phụ thuộc là gì?
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của rối loạn nhân cách phụ thuộc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành rối loạn này.
Môi trường sống trong giai đoạn tuổi thơ cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn. Việc nuôi dạy quá bảo bọc, thiếu thốn tình cảm, hoặc trải qua những trải nghiệm đau thương như bị lạm dụng, bỏ rơi có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách phụ thuộc ở người lớn.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ cụ thể bao gồm:
- Di truyền: Gen di truyền có thể khiến một người dễ bị tổn thương hơn trước rối loạn nhân cách phụ thuộc.
- Môi trường gia đình: Cách nuôi dạy của cha mẹ, đặc biệt là sự bảo vệ quá mức, có thể hạn chế sự phát triển tự chủ của trẻ.
- Trải nghiệm tuổi thơ: Những trải nghiệm tiêu cực trong thời thơ ấu, như bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi, có thể gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc và làm tăng nguy cơ mắc rối loạn.
- Trong gia đình có người mắc các bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm,...
Tìm hiểu thêm: Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD): tất cả những gì bạn cần biết
Triệu chứng phổ biến của rối loạn nhân cách phụ thuộc là gì?
Các dấu hiệu của rối loạn nhân cách phụ thuộc có thể bao gồm:
- Luôn cảm thấy mình cần được bảo vệ và chăm sóc
- Cảm thấy cô đơn và bất an khi ở một mình. và luôn tìm kiếm sự đồng hành
- Né tránh những nhiệm vụ đòi hỏi trách nhiệm cá nhân, hoặc để người khác làm thay.
- Dễ bị tổn thương bởi những lời phản đối hoặc chỉ trích
- Sợ bị người khác rời bỏ hoặc từ chối
- Là người thụ động trong các mối quan hệ
- Cảm thấy bất lực hoặc lo âu khi một mối quan hệ kết thúc
- Khó bắt đầu mối quan hệ mới
- Gặp khó khăn trong việc tự ra quyết định, cần sự chấp thuận của người khác
- Khó khăn trong việc bày tỏ sự không đồng ý với người khác
- Dễ bị lừa và lợi dụng
- Cảm thấy bản thân vô giá trị, tự cho mình kém cỏi, không tự tin vào chính mình
- Họ thường tránh xung đột và cố gắng làm hài lòng người khác
- Sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được sự chăm sóc và hỗ trợ (ví dụ: phục tùng theo các yêu cầu bất hợp lý, chịu sự lạm dụng về thể chất, tình dục hoặc tình cảm,..)
Chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc thế nào?
Nhân cách của mỗi người tiếp tục phát triển trong suốt thời kỳ trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, các chuyên gia tâm lý và bác sĩ thường không chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc cho đến khi một người qua tuổi 18. Rối loạn nhân cách, bao gồm rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD), rất khó chẩn đoán.
Do vậy, để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần được thăm khám bởi các chuyên gia tâm lý. Họ sẽ tiến hành nghiên cứu lâm sàng thông qua quá trình như sau:
- Hỏi về các triệu chứng, lịch sử bệnh lý, các mối quan hệ, và các sự kiện quan trọng trong cuộc sống của bệnh nhân.
- sử dụng các bài kiểm tra tâm lý để đánh giá sâu hơn về suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi.
- Loại trừ các nguyên nhân gây ra các triệu chứng tương tự, như trầm cảm, rối loạn lo âu, hoặc các vấn đề về sức khỏe thể chất.
Ngoài ra, để chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc, các chuyên gia sẽ dựa vào các tiêu chí được đưa ra trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-5), để chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc bạn phải có ít nhất 5 trong số các hành vi sau:
- Khó để đưa ra quyết định hàng ngày mà không có lời khuyên và sự trấn an của người khác.
- Cần người khác chịu trách nhiệm về những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn.
- Khó để không đồng ý với người khác vì họ sợ mất đi sự ủng hộ hoặc tán thành.
- Khó khăn trong việc bắt đầu các dự án hoặc làm việc một mình.
- Sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn nữa (chẳng hạn như làm điều gì đó khó khăn với bản thân) để nhận được sự hỗ trợ từ người khác.
- Cảm thấy khó chịu hoặc bất lực lúc ở một mình vì sợ không thể tự chăm sóc bản thân.
- Khi mối quan hệ thân thiết trước đây của bạn kết thúc, bạn rất cần một mối quan hệ mới với người khác để chăm sóc và hỗ trợ bạn.
- Những lo lắng không thực tế về việc tự chăm sóc bản thân.
Điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc như thế nào?
Các phương pháp điều nội khoa cho chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc thường bao gồm:
- Trị liệu tâm động học:Giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân, từ đó thay đổi cách bạn giao tiếp và kết nối với con người và môi trường xung quanh bạn.
- Trị liệu nhận thức hành vi (CBT): Giúp loại bỏ những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Bạn cũng sẽ biết cách cách thay đổi thói quen suy nghĩ lành mạnh hơn. Phương pháp này đặc biệt tập trung vào việc phát triển các kỹ năng xã hội.
- Thuốc: Không có loại thuốc nào có thể điều trị chứng rối loạn nhân cách. Nhưng bác sĩ có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc an thần, thuốc điều trị trầm cảm và lo âu,..bao gồm Sertraline, Fluoxetine, Mirtazapine,…
Tuy nhiên, để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt nhất, bạn nên dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý.
Phòng ngừa chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc
Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh có thể giúp hạn chế rối loạn nhân cách phụ thuộc.
- Uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ (nếu có);
- Tập thể dục mỗi ngày;
- Học cách quản lý căng thẳng bằng các bài tập thở, thư giãn, yoga, khí công, dưỡng sinh;
- Trò chuyện và chia sẻ nhiều hơn với gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia khi có các vấn đề tâm lý;
- Cha mẹ nên tập cho con khả năng tự lập, tự chăm sóc bản thân ngay từ khi còn nhỏ.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là điều cần thiết
Đó là thông tin về chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc mà bạn cần biết và nhận diện sớm. Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin đầy đủ và chính xác về khái niệm, nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị DPD. Nếu nhận thấy bản thân người người thân của mình có những dấu hiệu cảnh báo này, hãy nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý trên Askany ngay hôm nay bạn nhé.