Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic Personality Disorder - HPD) là vấn đề sức khỏe tâm thần cần được chú ý. Đúng như tên gọi, những người mắc thường thể hiện hành vi một cách kịch tính, mạnh mẽ nhằm thu hút sự chú ý từ những người xung quanh. Họ có thể cảm thấy khó chịu khi không được là trung tâm của sự chú ý, vì vậy họ dùng những hành vi quyến rũ, khiêu khích để đạt được ý định của mình.
Rối loạn nhân cách kịch tính là gì?
Rối loạn nhân cách kịch tính là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi cảm xúc quá mức, thái độ kịch tính và tìm kiếm sự chú ý từ người khác. Người mắc HPD thường biểu hiện cảm xúc một cách thái quá, có xu hướng đề cao bản thân, hành vi quyến rũ quá mức. Họ rất nhạy cảm với sự phê bình và cảm thấy khó chịu khi bị người khác phớt lờ, thay đổi tính khí đột ngột. Việc này gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, khiến họ gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ, sức khỏe và công việc.
HPD được chẩn đoán xuất hiện thường xuyên, cao gấp bốn lần ở phụ nữ so với nam giới. Rối loạn nhân cách kịch tính ảnh hưởng đến 2-3% dân số nói chung và 10-15% bệnh nhân ở các viện sức khỏe tâm thần nội trú và ngoại trú nói riêng.
Tìm hiểu thêm:
- Rối loạn nhân cách: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc: Nguyên nhân và biểu hiện chính
Dấu hiệu của người mắc rối loạn nhân cách kịch tính
Theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5 TR), cá nhân được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách kịch tính nếu họ thường xuyên thể hiện cảm xúc quá mức và có xu hướng tìm kiếm sự chú ý từ người khác. Rối loạn này thường khởi phát từ giai đoạn đầu tuổi trưởng thành và có thể được quan sát qua ít nhất năm (hoặc nhiều hơn) các triệu chứng dưới đây:
- Cảm thấy không thoải mái khi bản thân không phải là trung tâm của sự chú ý.
- Tương tác với người khác bằng hành vi quyến rũ, gợi tình hoặc khêu gợi một cách không phù hợp.
- Thể hiện cảm xúc nông cạn và tính cách dễ thay đổi.
- Thường xuyên sử dụng ngoại hình, vẻ đẹp để thu hút sự chú ý về bản thân.
- Cách sử dụng ngôn ngữ và diễn đạt cực kì ấn tượng và hoa mỹ, đôi khi mơ hồ
- Thể hiện sự kịch tính hóa, hay phóng đại các cảm xúc.
- Dễ bị tác động bởi người khác hoặc hoàn cảnh xung quanh.
- Ảo tưởng các mối quan hệ thân mật hơn so với thực tế.
Phân biệt rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) với rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)
Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) & rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là hai rối loạn tâm thần thường bị nhầm lẫn với nhau do có một số triệu chứng chung, như thay đổi cảm xúc thất thường, tìm kiếm sự chú ý và hành vi xung động. Tuy nhiên, hai loại rối loạn này có những đặc điểm phân biệt rõ ràng.
Người mắc HPD thường có xu hướng quyến rũ và tìm kiếm sự chú ý một cách quá mức. Họ có thể thay đổi cảm xúc nhanh chóng nhưng cường độ cảm xúc thường không dữ hội bằng người mắc BPD. Mục tiêu chính của họ là trở thành trung tâm của sự chú ý.
Ngược lại, người mắc BPD thường trải qua những cảm xúc cực đoan và không ổn định, từ yêu chuyển sang ghét rất nhanh. Họ có thể cảm thấy trống rỗng bên trong và có xu hướng tự làm hại bản thân hoặc phá hủy các mối quan hệ. Do đó, mối quan hệ của bệnh nhân với người khác thường không ổn định và căng thẳng.
Nguyên nhân gây ra HPD
Rối loạn nhân cách kịch tính là một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần chưa được nhiều người biết đến. Các nghiên cứu về HPD đã chỉ ra một số nguyên nhân có thể góp phần hình thành rối loạn này, cụ thể bao gồm:
- Di truyền: Rối loạn nhân cách kịch tính có xu hướng di truyền từ các thành viên trong gia đình.
- Trauma thời thơ ấu: Trẻ em có thể đối phó với những trải nghiệm tiêu cực như bị lạm dụng từ nhỏ, đau buồn sau cái chết của thành viên trong gia đình,... thì khi trưởng thành, chúng có thể mắc phải rối loạn nhân cách kịch tính
- Cách nuôi dạy con của bố mẹ: Trẻ con được nuôi dạy trong môi trường thiếu ranh giới, được nuông chiều thái quá, có khả năng phát triển rối loạn nhân cách kịch tính cao hơn so với những đứa trẻ khác. Ngoài ra, những bậc cha mẹ có hành vi kịch tính, thất thường, không ổn định hoặc hành vi tình dục không phù hợp cũng khiến cho con họ có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn này.
Phương pháp điều trị rối loạn nhân cách kịch tính
Dùng thuốc để điều trị
Hiện tại, không có loại thuốc cụ thể nào được chấp thuận để điều trị rối loạn nhân cách kịch tính. Tuy nhiên, các bác sĩ tâm thần có thể kê toa một số loại thuốc nhằm hỗ trợ điều trị các triệu chứng cảm xúc liên quan, chẳng hạn như sự thay đổi tâm trạng, cơn tức giận, lo âu, dễ khóc và trầm cảm.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần được thực hiện dưới sự giám sát và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân.
Điều trị HPD bằng tâm lý trị liệu
Liệu pháp tâm lý đã được chứng minh là mang lại hiệu quả tích cực trong việc điều trị rối loạn nhân cách kịch tính, với mục tiêu làm giảm triệu chứng và cải thiện các mối quan hệ xã hội của cá nhân.
- Liệu pháp phân tâm học: chú trọng vào việc thiết lập một mối quan hệ đáng tin cậy giữa người trị liệu và thân chủ, từ đó giúp bệnh nhân nhận diện và khắc phục các xung đột nội tâm cũng như cơ chế phòng vệ ảnh hưởng đến hành vi của họ.
- Liệu pháp nhận thức - hành vi: được áp dụng để phát triển các chiến lược khuyến khích hành vi tích cực và giảm bớt các hành vi tìm kiếm sự chú ý. Đồng thời, liệu pháp này cũng giúp bệnh nhân thách thức những nhận thức vô lý, chẳng hạn như niềm tin rằng họ phải luôn là trung tâm của sự chú ý.
Các phương pháp hỗ trợ khác
Ngoài các liệu pháp chính nêu trên, những hoạt động như thực hành chánh niệm, yoga, hoặc thái cực quyền cũng có thể hỗ trợ hiệu quả cho những người mắc rối loạn nhân cách, đặc biệt là rối loạn nhân cách kịch tính. Những phương pháp này giúp cá nhân cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc, đồng thời giảm thiểu các phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và xung động không cần thiết.
Làm thế nào nếu người thân mắc rối loạn nhân cách kịch tính?
Sống cùng với người mắc rối loạn nhân cách kịch tính có thể rất khó khăn. Bạn có thể cảm thấy khó hiểu hoặc xấu hổ trước những hành vi của họ. Dưới đây là một số cách để bạn ứng phó khi người thân mắc rối loạn này:
- Tìm hiểu về tình trạng của họ: Hãy nhận diện những yếu tố có thể “kích hoạt” các phản ứng cảm xúc. Và nên nhớ rằng, những hành vi không phù hợp này thường là phản ứng vô thức. Họ có thể không nhận ra hành động của mình dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
- Thiết lập ranh giới rõ ràng: Hãy đặt ra một ranh giới rõ ràng và thể hiện cảm xúc của bạn với hành vi của đối phương. Ví dụ: “Tôi cảm thấy không thoải mái khi bạn có những hành động không phù hợp với bạn bè tôi. Xin đừng làm như vậy.” Hãy chỉ ra hậu quả nếu họ tiếp tục hành vi đó: “Nếu bạn còn tiếp tục, tôi sẽ không mời bạn đi chơi cùng nhóm nữa.”
- Quản lý cảm xúc của bản thân: Khi người thân phản ứng thái quá, bạn không cần phải phản ứng lại. Nếu bạn phản ứng mạnh mẽ, xung đột có thể leo thang. Ngược lại, nếu bạn phớt lờ hành vi của họ, họ có thể cố gắng thu hút sự chú ý hơn nữa. Để giữ bình tĩnh, hãy thực hiện các kỹ thuật thư giãn và giảm căng thẳng.
Đôi khi, việc lùi lại một bước và tập trung vào sức khỏe của bản thân là cần thiết. Hãy hạn chế tiếp xúc với họ trong một thời gian nhất định và làm những điều bạn yêu thích.
Ngoài ra, theo chuyên gia tâm lý tại Askany chia sẻ, bạn có thể áp dụng chiến thuật “tảng đá xám” trong những tình huống khó khăn này. Phương pháp này thường được sử dụng để ứng phó với những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD), có nhiều điểm tương đồng với rối loạn nhân cách kịch tính. Cụ thể, bạn sẽ duy trì thái độ bình tĩnh, không phản ứng và hạn chế giao tiếp khi người đó tìm kiếm sự chú ý. Mục tiêu là khiến họ mất hứng thú trong việc tương tác.
Đó là toàn bộ thông tin về rối loạn nhân cách kịch tính mà chuyên gia tâm lý của Askany muốn chia sẻ đến bạn. Dù rối loạn này gây ra nhiều khó khăn, nhưng nó hoàn toàn có thể được cải thiện. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý và những liệu pháp phù hợp, những người mắc phải rối loạn này có thể học cách kiểm soát cảm xúc, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Nếu bạn hoặc người thân xung quanh gặp phải các vấn đề liên quan đến rối loạn nhân cách kịch tính, hãy tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý trên Askany ngay hôm nay.