Chúng ta nên làm gì khi buồn chuyện gia đình? Việc muộn phiền khi gia đình gặp rắc rối là điều hoàn toàn bình thường. Ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần trải qua cảm giác như vậy. Nhưng việc cứ khư khư ôm nỗi buồn là điều không hề tốt cho sức khỏe tinh thần của mỗi người. Để vượt qua giai đoạn này, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây được chuyên gia tâm lý trên Askany hướng dẫn.
Nguyên nhân thường gặp khiến bạn buồn chuyện gia đình
Cảm giác mệt mỏi, trầm cảm và cô đơn vì những áp lực gia đình là điều mà nhiều người đang trải qua.
Áp lực kinh tế
Áp lực kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay là điều dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Khi chưa đáp ứng được các nhu cầu cơ bản hoặc mong muốn của vợ con khiến nhiều ông chồng cảm thấy trách nhiệm và áp lực nặng nề. Mâu thuẫn này có thể diễn ra khi 2 vợ chồng mới cưới, khi vợ mang thai hoặc lúc xây nhà mới. Việc cật lực kiếm tiền cũng như đau đầu tính toán thu chi cũng khiến nhiều cặp vợ chồng rơi vào mệt mỏi. Điều này cũng xảy ra tương tự ở những gia đình khá giả, khi họ phải dành quá nhiều thời gian cho công việc và quên đi chăm sóc gia đình, hoặc khối lượng công việc quá lớn khiến họ “ngộp thở”.
Vấn đề về sức khỏe
Vấn đề sức khỏe của một thành viên trong gia đình cũng là một gánh nặng lớn. Bệnh tật, chấn thương không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra nhiều áp lực tâm lý cho cả người bệnh và người chăm sóc. Đặc biệt, phụ nữ mang thai, sau sinh hoặc ở giai đoạn tiền mãn kinh thường dễ bị căng thẳng, trầm cảm hơn.
Xem thêm: Phụ nữ sau sinh khóc nhiều có sao không: nguyên nhân & cách chăm sóc
Nuôi dạy con cái
Nuôi dạy con cái là một hành trình dài đầy gian nan và thử thách. Áp lực học tập, rối loạn hành vi ở trẻ em là những vấn đề thường gặp khiến cha mẹ lo lắng, mệt mỏi. Ngoài ra, sự khác biệt trong quan điểm nuôi dạy con của ông bà, cha mẹ cũng có thể gây ra mâu thuẫn giữa các thế hệ.
Thiếu sự quan tâm, thấu hiểu
Bên cạnh gánh nặng tài chính, sự thiếu thốn tình cảm và thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình là một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng và áp lực. Thực tế cho thấy nhiều cặp vợ chồng đã ly hôn vì không cảm thấy sự đồng cảm ở đối phương. Sau khi tan ca, vợ hoặc chồng của mình đều có những áp lực lớn có thể khiến họ rơi vào trầm cảm. Những lúc ấy, bạn nên quan tâm, nhường nhịn và thấu hiểu họ. Đây cũng chính là bí quyết giúp cho hôn nhân thêm bền chặt. Nếu để đối phương cảm giác cô đơn, lo âu và tức giận thường xuyên thì hôn nhân của bạn sẽ rất dễ đổ vỡ.
Kỳ vọng quá lớn vào con cái
Kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ hoặc xã hội có thể gây ra áp lực tâm lý đáng kể cho trẻ. Mỗi trẻ đều có những năng lực và điểm mạnh khác nhau. Việc so sánh con mình với con người khác cũng là một nguồn gốc dẫn đến sự tự ti và buồn chán ở các bé. Nếu để các con bị la mắng, buồn rầu, chán nản trong thời gian dài vì không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ, sẽ dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Bất đồng quan điểm giữa các thế hệ
Sự khác biệt về quan điểm, giá trị và lối sống giữa các thế hệ có thể gây ra xung đột và mâu thuẫn. Mâu thuẫn này có thể bắt nguồn từ việc kết hôn, chi tiêu, chăm sóc và nuôi dạy con cái, hay áp đặt con theo ngành nghề mà cha mẹ đã chọn. Quan niệm truyền thống và lối sống hiện đại xung đột sẽ gây ra mâu thuẫn và hiểu lầm giữa các thành viên ruột thịt với nhau. Nếu cả hai bên không chịu dung hòa và thay đổi vì nhau thì khoảng cách sẽ càng lớn và tạo nên áp lực trong chính gia đình mình
Quan niệm về tình yêu
Một số gia đình vẫn còn áp đặt chọn bạn đời cho con theo ý muốn của ba mẹ. Điều này khiến không ít tình yêu tan vỡ, con cái mất đi hạnh phúc tương lai vì sự hà khắc của phụ huynh. Trên thế giới hiện nay đã bình thường hóa và chấp nhận hôn nhân đồng giới, tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ vẫn còn phản đối vấn đề này và cho đó là “bệnh” cần được “điều trị”. Chính những điều này khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy bố mẹ không yêu thương họ, không khí ngột ngạt, mất đi quyền tự do. Nhiều người thậm chí còn thù ghét và rời bỏ gia đình của mình.
Ngoài ra, những yếu tố như sự bất công trong gia đình, bạo lực gia đình, và sự kiện đau buồn cũng có thể gây ra áp lực tâm lý kéo dài.
Nên làm gì khi buồn chuyện gia đình
Dưới đây là một số cách hiệu quả cho những ai chưa biết làm gì khi buồn chuyện gia đình
Chia sẻ thẳng thắn để hiểu nhau hơn
Chia sẻ thẳng thắn là cách đơn giản và cần thiết để giải quyết bất cứ mâu thuẫn nào trong gia đình. Do áp lực kinh tế và trách nhiệm, những xung đột nhỏ có thể biến thành vấn đề lớn và gây xa cách. Không ai có thể đoán trước suy nghĩ của người khác, vì vậy, khi gặp mâu thuẫn, hãy cố gắng giữ tâm trạng bình tĩnh, trao đổi rõ ràng và tìm cách hòa giải. Điều này sẽ giúp mọi người trong gia đình hiểu và gắn kết hơn.
Chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái
Quan niệm việc nhà và chăm con là trách nhiệm của phụ nữ đã không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Ngày nay, phụ nữ có thể vừa làm việc, vừa là trụ cột kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn phải gánh vác thêm cả việc nhà khiến họ dễ mệt mỏi và căng thẳng. Vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình đặc biệt là người chồng nên cùng chia sẻ công việc và chăm sóc con cái với vợ mình. Việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng, tăng sự liên kết và tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ cho cả gia đình. Đồng thời bố mẹ cũng nên dạy trẻ biết làm việc nhà từ sớm để giúp con phát triển tính tự lập và khả năng tự chăm sóc bản thân khi không có cha mẹ ở bên.
Kiểm soát cảm xúc và cơn giận
Khi giận dữ chúng ta thường nói những lời gây tổn thương nhau mà sau này có hối hận cũng không kịp. Để tránh làm tổn thương người khác, hãy học cách kiểm soát cảm xúc của mình. Chuyên gia tâm lý chia sẻ, khi có bất đồng xảy ra, thay vì tranh cãi để giành phần thắng, hãy giữ im lặng và tìm không gian riêng để bình tĩnh lại. Sau khi cảm xúc đã ổn định và suy nghĩ thấu đáo hơn, bạn có thể trò chuyện và giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần hòa giải với thành viên trong gia đình mình.
Học cách sống chung với áp lực
Áp lực gia đình là điều không ai có thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể học cách đối diện và vượt qua nó. Ví dụ, nếu không thể hòa giải với bố mẹ vợ/ bố mẹ chồng thì cả hai có thể dọn ra ở riêng. Còn nếu bố mẹ quá áp đặt tư tưởng và suy nghĩ lạc hậu vào con cái, con cái có thể nhẹ nhàng giải thích và nêu lên quan điểm của mình cho bố mẹ hiểu.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên nỗ lực cải thiện cuộc sống vật chất để giảm thiểu áp lực gia đình. Khi đời sống được nâng cao, áp lực cũng sẽ tự khắc biến mất.
Đừng quên chăm sóc bản thân
Đừng để áp lực làm bạn quên đi chính mình, hãy chăm sóc bản thân bằng cách ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi ngày), tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh và dành thời gian làm những điều bạn yêu thích. Khi tâm trạng bạn cảm thấy tốt hơn, bạn cũng sẽ mang lại năng lượng tích cực cho các thành viên trong gia đình.
Gặp chuyên gia tâm lý
Nếu cảm xúc tiêu cực của bạn kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia tâm lý. Qua các buổi nói chuyện và các bài tập, chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn khám phá sâu hơn về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân. Sau đó, họ sẽ cùng bạn xây dựng các chiến lược và kỹ năng để giải quyết những vấn đề này. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực hoặc hành vi không lành mạnh, chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp bạn thay đổi chúng thành những suy nghĩ và hành vi tích cực hơn. Nếu bạn đang cân nhắc việc tìm đến chuyên gia tâm lý, hãy tham khảo thông tin và profile của các chuyên gia uy tín, được nhiều người tin tưởng trên Askany bạn nhé.
Đó là những chia sẻ của chuyên gia mà bạn có thể tham khảo khi không biết làm gì khi buồn chuyện gia đình. Bạn nên thẳng thắn chia sẻ cảm xúc với thành viên trong gia đình, chăm sóc bản thân, thay đổi góc nhìn hoặc tham gia những hoạt động yêu thích để quên đi muộn phiền. Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn để vượt qua nỗi buồn một mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình trên Askany bạn nhé.