Rối loạn ác mộng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Askany
globe

Vi

    BlogTâm lý

    Rối loạn ác mộng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

  • blog
    Tác giả tâm lý Kim Nguyễnblog
  • blog

    Rối loạn ác mộng là một dạng bệnh lý tâm thần tương đối hiếm gặp. Bệnh xảy ra khi những cơn ác mộng liên tục tái diễn và làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh, từ đó khiến họ gặp khó khăn trong các hoạt động ban ngày, cũng như mắc chứng sợ ngủ. Trong bài viết này, Askany sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về chứng rối loạn ác mộng, bao gồm triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị.

    Rối loạn ác mộng là gì?

    Ác mộng là những giấc mơ mang đến cảm giác tiêu cực, khiến bạn giật mình giữa đêm, tim đập mạnh, đổ mồ hôi và khó trở lại giấc ngủ. Tình trạng này được xem là phản ứng bình thường của não bộ đối với những suy nghĩ lo âu của con người. Ác mộng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em.

    Theo Healthline, ác mộng bắt đầu xuất hiện ở trẻ em từ 3 - 6 tuổi và có xu hướng giảm dần khi chúng lên 10 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể kéo dài trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, ở độ tuổi thanh thiếu niên, tỷ lệ bé gái gặp ác mộng thường cao hơn so với bé trai.

    Rối loạn ác mộng là gì?
    Rối loạn ác mộng là gì?

    Mặc dù ác mộng là hiện tượng bình thường, nhưng rối loạn ác mộng thì ngược lại và tương đối hiếm. Đây là tình trạng những cơn ác mộng xảy ra thường xuyên, làm gián đoạn giấc ngủ và gây khó khăn cho các hoạt động ban ngày của người bệnh. Không chỉ vậy, nó còn có thể tạo ra cảm giác sợ hãi khi đi ngủ.

    Triệu chứng đặc trưng của rối loạn ác mộng

    Những cơn ác mộng được xem là một dạng rối loạn nếu chúng đi kèm với các triệu chứng bất thường như sau:

    • Xuất hiện thường xuyên, có thể lên đến 5 ngày/ tuần.
    • Cảm giác lo lắng, đau khổ và sợ hãi kéo cả ngày sau đó.
    • Không thể ngừng nghĩ về những hình ảnh gặp trong giấc mơ.
    • Tập trung, ghi nhớ khó khăn.
    • Mệt mỏi, thiếu năng lượng và buồn ngủ vào ngày sau.
    • Ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất và thiếu sự linh hoạt trong các tình huống xã hội thường ngày.
    • Sợ bóng tối, lo lắng không rõ nguyên nhân khi chuẩn bị đi ngủ.

    Nguyên nhân gây ra rối loạn ác mộng

    Hiện tại, nguyên nhân gây ra rối loạn ác mộng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Song, các chuyên gia tâm lý đã chứng minh rối loạn ác mộng có thể được kích hoạt bởi các yếu tố sau:

    Di truyền

    Nếu trong gia đình bạn có người từng có tiền sử bị rối loạn ác mộng hoặc mắc bệnh mộng du thì nguy cơ mơ thấy các cơn ác mộng sẽ thường cao hơn những người khác.

    Di truyền có khả năng gây rối loạn ác mộng
    Di truyền có khả năng gây rối loạn ác mộng

    Căng thẳng, lo lắng kéo dài

    Những giấc mơ đáng sợ có thể xuất hiện khi bạn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng, lo lắng trong một thời gian dài. Đó có thể là áp lực từ các vấn đề của cuộc sống, sự chuyển đổi môi trường sống, mất mát người thân,....

    Rối loạn căng thẳng sau chấn thương

    Tai nạn, lạm dụng tình dục, tra tấn là những nguyên nhân chính gây ra các cơn ác mộng. Nói cách khác, người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) thường có nguy cơ cao mơ thấy ác mộng thường xuyên hơn.

    Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là một trong những nguyên nhân gây rối loạn ác mộng
    Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là một trong những nguyên nhân gây rối loạn ác mộng

    Thiếu ngủ hoặc mất ngủ

    Con người luôn cần ngủ đủ từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, chẳng hạn như công việc bận rộn, chăm sóc gia đình,... có thể khiến bạn không ngủ đủ giấc, điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp ác mộng nhiều hơn. Ngoài ra, tình trạng mất ngủ cũng là một trong những nguyên nhân điển hình dẫn đến rối loạn ác mộng.

    Lạm dụng thuốc

    Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc dùng điều trị bệnh Parkinson,.... có khả năng kéo dài ác mộng nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài. Bên cạnh đó, các chất kích thích cũng sẽ khiến bạn chìm vào những cơn ác mộng không hồi kết.

    Vấn đề sức khỏe tâm thần khác

    Bệnh trầm cảm và các chứng rối loạn tâm thần khác đã được chứng minh có liên quan mật thiết đến những cơn ác mộng tái diễn. Thêm nữa, ác mộng còn thường xảy ra song song với một số bệnh lý về tim mạch, ung thư,.... Nhìn chung, các bệnh làm giảm chất lượng giấc ngủ đều dẫn đến rối loạn ác mộng.

    Hệ quả của rối loạn ác mộng

    Như đã nói, rối loạn ác mộng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, từ công việc, học tập cho đến các mối quan hệ xã hội. Sau đây là một số hệ quả phổ biến nhất do rối loạn ác mộng gây ra:

    • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày, gây ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động hàng ngày.
    • Xuất hiện các vấn đề tâm lý như trầm cảm hoặc lo lắng do bị ám ảnh bởi những giấc mơ đáng sợ.
    • Sợ hãi khi phải đi ngủ, dẫn đến khó duy trì giấc ngủ.
    • Suy nghĩ tiêu cực, thậm chí có ý định hoặc hành động tự tử.

    Chẩn đoán chứng rối loạn ác mộng

    Đến nay, vẫn chưa bất kỳ xét nghiệm quy chuẩn nào được dùng để chẩn đoán chứng rối loạn ác mộng. Theo đó, bác sĩ thường sẽ xem xét hồ sơ bệnh án, các triệu chứng biểu hiện kết hợp thực hiện các kỹ thuật sau:

    Kiểm tra thể chất

    Quá trình kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ xác định các điều kiện góp phần gây ra ác mộng. Trong trường hợp những cơn ác mộng tái phát và cho thấy nhiều tác hại tiềm ẩn, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia sức khỏe tâm thần.

    Chẩn đoán rối loạn ác mộng bằng cách kiểm tra thể chất
    Chẩn đoán rối loạn ác mộng bằng cách kiểm tra thể chất

    Thảo luận về triệu chứng

    Rối loạn ác mộng cũng thường được chẩn đoán dựa trên mô tả của người bệnh về các triệu chứng. Đặc biệt, hành vi trong suốt giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với quy trình chẩn đoán. Lúc này, bác sĩ có thể hỏi người thân ngủ cùng với người bệnh về các dấu hiệu xuất hiện để chẩn đoán chính xác hơn.

    Nghiên cứu giấc ngủ

    Nếu giấc ngủ của bạn bị xáo trộn nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị nghiên cứu giấc ngủ về đêm. Phương pháp này nhằm giúp xác định các cơn ác mộng có liên quan đến những chứng rối loạn giấc ngủ khác hay không.

    Để thực hiện, các cảm biến sẽ được đặt trên cơ thể bạn, sau đó theo dõi và ghi lại sóng não, nồng độ oxy trong máu, nhịp thở, nhịp tim cùng chuyển động của mắt, chân trong khi bạn ngủ.

    Để chẩn đoán rối loạn ác mộng, bác sĩ có thể nghiên cứu giấc ngủ
    Để chẩn đoán rối loạn ác mộng, bác sĩ có thể nghiên cứu giấc ngủ

    Phương pháp điều trị rối loạn ác mộng

    Khi những cơn ác mộng xuất hiện thường xuyên, khiến bạn đau khổ và cản trở các hoạt động thường ngày, việc điều trị là vô cùng cần thiết. Theo đó, tuỳ nguyên nhân gây bệnh mà  phương pháp điều trị được áp dụng sẽ bao gồm:

    • Nếu rối loạn ác mộng liên quan đến vấn đề tâm lý tiềm ẩn thì việc điều trị sẽ tập trung chủ yếu vào tình trạng đó.
    • Nếu rối loạn ác mộng do căng thẳng, các phương pháp trị liệu sẽ có hiệu quả trong việc loại bỏ các yếu tố tác động, đồng thời gia tăng sự thư giãn.
    • Nếu rối loạn ác mộng là một trong những triệu chứng của PTSD, liệu pháp hình ảnh sẽ giúp giảm tần suất và cải thiện mức độ nghiêm trọng của những cơn ác mộng
    • Nếu rối loạn ác mộng liên quan đến chứng rối loạn ác mộng căng thẳng sau chấn thương, một số loại thuốc sẽ được khuyến nghị đưa vào điều trị.

    Cách khắc phục rối loạn ác mộng tại nhà

    Ngoài những phương pháp điều trị nêu trên, bạn cũng có thể nâng cao hiệu quả điều trị thông qua các cách chăm sóc tại nhà dưới đây:

    Xây dựng thói quen tốt trước khi ngủ

    Những thói quen trước khi ngủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, để có một giấc ngủ êm ả và thoải mái, bạn có thể thư giãn cơ thể với các bài tập yoga và thiền hoặc làm dịu tâm trí bằng cách tránh tiếp xúc với các thiết bị điện tử, đọc sách, ngâm mình trong bồn nước nóng,.... Ngoài ra, không gian ngủ của bạn cũng cần được đảm bảo yên tĩnh và sạch sẽ.

    Xây dựng thói quen tối trước khi ngủ
    Xây dựng thói quen tối trước khi ngủ

    Tự trấn an sau khi gặp ác mộng

    Để có thể bình tĩnh ngay sau khi mơ thấy ác mộng thực sự rất khó, tuy nhiên hãy cố gắng hít thở sâu và trấn an bản thân bằng những lý lẽ phủ nhận sự ảnh hưởng của cơn ác mộng rằng “nó không có thật” hay “nó không thể làm tổn thương mình”. Những hành động này sẽ giúp bạn phần nào ngăn chặn được những giấc mơ đáng sợ sau này.

    Chia sẻ giấc mơ với người khác

    Nói về giấc mơ cũng là một trong những cách hữu hiệu giúp bạn giảm bớt đi sự căng thẳng trong tâm trí của mình. Bạn nên tìm người thân thiết nhất với mình và chia sẻ với họ tất cả những gì xảy ra trong giấc mơ, chẳng hạn như người bạn gặp, điều khiến bạn sợ hãi,.... Điều này không chỉ tạo cho bạn cảm giác vững tâm, mà còn có thể nhận được những lời khuyên tốt nhất để cải thiện tình trạng.

    Chia sẻ giấc mơ với người khác
    Chia sẻ giấc mơ với người khác

    Chủ động viết lại kết thúc cho giấc mơ

    Bạn hoàn toàn có thể “viết lại” cốt truyện cũng như kết thúc mới cho những cơn ác mộng của mình. Điều quan trọng là bạn cần có sức mạnh của nhận thức, hãy từ từ xác định các chi tiết trong giấc mơ và dùng trí tưởng tượng của mình để thay đổi nó.

    Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có góc nhìn tổng quát về rối loạn ác mộng, từ triệu chứng, nguyên nhân gây ra cho đến cách điều trị phù hợp. Ngoài ra, để hiệu quả điều trị đạt kết quả tốt nhất, bạn nên tìm đến các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán toàn diện hơn. Một trong những địa chỉ tư vấn tâm lý uy tín mà bạn có thể tham khảo là Askany - nơi bạn sẽ được kết nối 1:1 với đội ngũ chuyên gia tâm lý dày dặn kinh nghiệm, đang công tác tại các bệnh viện lớn trên khắp cả nước.